Xã hội

Sản xuất, buôn bán thuốc giả: Hành vi đặc biệt nguy hiểm, khung hình phạt cao nhất là tử hình

Tóm tắt:
  • Đường dây sản xuất và buôn bán thuốc giả bị triệt phá tại Thanh Hóa với giá trị hàng hóa lên tới 200 tỷ đồng.
  • 14 bị can đã bị khởi tố và có thể đối diện án tử hình vì sản xuất thuốc giả.
  • Việc sản xuất thuốc giả gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng, cần chịu chế tài nghiêm khắc.
  • Đối tượng lợi dụng nhu cầu và sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để bán thuốc giả, chủ yếu liên quan đến bệnh xương khớp.
  • Hệ thống giám sát và cấp phép dược phẩm có nhiều kẽ hở, cần được cải thiện và người tiêu dùng cần cẩn trọng hơn.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc. Tổng giá trị hàng hóa mà các đối tượng đã sản xuất và tiêu thụ lên tới 200 tỷ đồng.

14 bị can đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Thanh Hóa khởi tố, điều tra mở rộng vụ án, làm rõ hành vi của từng đối tượng liên quan.

Sản xuất, buôn bán thuốc giả: Hành vi đặc biệt nguy hiểm, khung hình phạt cao nhất là tử hình- Ảnh 1.

Các đối tượng bị khởi tố (ảnh Công an tỉnh Thanh Hóa)

Có thể đối diện án tử hình

Đánh giá về vụ án này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng: tất cả các hàng hóa là hàng giả đều ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Nếu hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh còn có thể đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người sử dụng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vì vậy, người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật, mức cao nhất có thể là tù chung thân hoặc tử hình.
“Tội sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả là hành vi đặc biệt nguy hiểm, không chỉ gian lận thương mại mà còn xâm hại trực tiếp sức khỏe, tính mạng người dân,”.

TS. LS Đặng Văn Cường, nhấn mạnh, theo quy định tại khoản 4, Điều 194 Bộ luật Hình sự, nếu thu lợi bất chính từ 2 tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả nghiêm trọng như chết người, thiệt hại lớn về tài sản thì hình phạt cao nhất là tử hình.
“Trong vụ án này, tổng giá trị hàng hóa lên tới 200 tỷ đồng, thuộc diện đặc biệt nghiêm trọng. Các bị can hoàn toàn có thể bị xử lý ở khung hình phạt cao nhất – tù chung thân hoặc tử hình,” luật sư Cường nhấn mạnh.

Đáng lo hơn cả là hệ thống giám sát và cấp phép kinh doanh dược phẩm đang tồn tại nhiều kẽ hở. Theo luật sư Cường, trách nhiệm chính thuộc về Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược, và các Sở Y tế địa phương.

Sản xuất, buôn bán thuốc giả: Hành vi đặc biệt nguy hiểm, khung hình phạt cao nhất là tử hình- Ảnh 2.

hàng chục tên thuốc bị làm giả

Lời cảnh tỉnh về đạo đức và sự vô cảm liên quan đến sinh mệnh con người


Luật sư cho rằng, những viên thuốc chữa bệnh lẽ ra phải là cứu cánh cuối cùng cho bệnh nhân, nhưng chúng đã bị biến thành "vũ khí" giết người hàng loạt trong tay những doanh nhân phi đạo đức.
Và không chỉ là thuốc – thời gian qua, dư luận chưa hết bàng hoàng trước các vụ sữa bột giả, thực phẩm chức năng giả, quảng cáo lừa đảo… nay tiếp tục rúng động với vụ thuốc chữa bệnh giả. Một loạt hành vi tàn nhẫn nhắm vào chính sức khỏe cộng đồng – những điều không thể chấp nhận trong một xã hội văn minh.

“Tội ác dù có tinh vi, được bảo kê hay ngụy trang bằng lớp áo kinh doanh cũng sẽ bị phát hiện và trừng trị. Đây là lời cảnh tỉnh về đạo đức và sự vô cảm trong một số ngành nghề liên quan đến sinh mệnh con người”, TS.LS Đặng Văn Cường thẳng thắn nói.

Để ngăn chặn những vụ việc tương tự, bên cạnh trừng trị nghiêm khắc, cần xây dựng hệ thống giám sát thuốc hiệu quả hơn. Việc truy vết, quản lý chuỗi cung ứng, đánh giá nguồn gốc nguyên liệu sản xuất phải được siết chặt.

Quan trọng hơn, người dân cần tỉnh táo, không mua thuốc không rõ nguồn gốc, chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và báo ngay cho cơ quan chức năng khi nghi ngờ sản phẩm kém chất lượng.

Sản xuất, buôn bán thuốc giả: Hành vi đặc biệt nguy hiểm, khung hình phạt cao nhất là tử hình- Ảnh 3.

Thậm chí các đối tượng làm giả tên thuốc và lấy tên công ty ở nước ngoài

Chiêu trò và thủ đoạn làm giả thuốc

Theo cơ quan điều tra, lợi dụng thói quen của người dân là tự kê đơn mua các loại thuốc chữa bệnh, cũng như sự thiếu hiểu biết khi tìm hiểu về nguồn gốc hàng hoá, nhất là nhu cầu của một bộ phận người tiêu dùng là người cao tuổi muốn mua và sử dụng các loại thuốc có tác dụng chữa bệnh về xương khớp, đau nhức, tê bại với giá thành rẻ, phù hợp với thu nhập của người cao tuổi và lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dược phẩm tại các quầy thuốc, nhà thuốc, nhóm đối tượng đã đầu tư dây chuyền, máy móc sản xuất và nghiên cứu các thành phần của thuốc tân dược.

Sau đó, bọn chúng đặt mua các nguyên liệu là dược phẩm, dược liệu, thảo mộc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuê nhân công trộn lẫn nghiền thành bột, sử dụng máy móc đóng thành viên nang, ép vỉ, đóng gói thành phẩm thuốc giả sau đó bán ra thị trường. Cảnh sát xác định từ đầu năm 2021 đến khi bị bắt đã bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, số tiền thu lời bất chính ước tính gần 200 tỷ đồng.

Một trong những phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội mới mà các đối tượng sử dụng, đó là đối với các loại thuốc chữa bệnh về xương khớp, các đối tượng không làm giả các sản phẩm có sẵn đang lưu hành trên thị trường trong và ngoài nước mà tự đặt ra những tên thuốc cũng như tên Công ty có trụ sở ở nước ngoài, chủ yếu là tại Hồng Kông, Malaysia, Singapore… nên rất dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Về thủ đoạn sản xuất, các đối tượng đã thuê kho làm địa điểm sản xuất tại những khu vực vắng người qua lại, ngõ cụt nằm sâu trong hẻm trên địa bàn thành phố Long Xuyên, An Giang, TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội, sau đó thuê công nhân sản xuất là anh em người nhà hoặc người quen tại các địa phương khác. Quá trình sản xuất, công nhân ăn ở khép kín tại kho xưởng sản xuất, không có giao tiếp với dân cư xung quanh, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình quản lý, kiểm tra và thu thập thông tin, tài liệu.

Về thủ đoạn hoạt động buôn bán các loại thuốc giả ra thị trường: Các đối tượng tham gia đường dây có sự móc nối, câu kết chặt chẽ với nhau từ khâu sản xuất đến khâu tìm kiếm kênh phân phối để đưa hàng giả ra thị trường đến tay người tiêu dùng.

Dưới vỏ bọc là nhân viên dược sỹ buôn bán thuốc cho các Công ty dược, các đối tượng thông qua các trang mạng xã hội zalo, facebook… quảng cáo có nguồn thuốc kháng sinh của các Công ty chính hãng “tuồn” ra từ nguồn hàng thầu hoặc bán chạy doanh số trái khu vực không xuất được hóa đơn nên giao bán rẻ hơn so với hàng chính hãng.

Đối với các loại “giả mạo” nguồn gốc nước ngoài thì các đối tượng giới thiệu đây là hàng “xách tay” nên không có hoá đơn chứng từ kèm theo để lấy lòng tin của người mua hàng. Giai đoạn để tạo dựng lòng tin các đối tượng thường mua thuốc thật trà trộn vào nguồn thuốc giả do các đối tượng sản xuất bán ra thị trường để đối phó với sự kiểm tra của các cơ quan chức năng. Sau đó, khi đã có lượng khách hàng nhất định, các đối tượng chỉ bán những loại thuốc giả tự sản xuất, đa phần khách hàng hướng tới nhóm dược sỹ kinh doanh thuốc tự do tại các chợ thuốc.


Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (20/4), cả vàng SJC và vàng nhẫn đều giảm mạnh, bằng giá nhau ở mốc 114 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng, trong nước vẫn cao hơn thế giới hơn 9 triệu đồng/lượng.

Agribank đẩy mạnh tín dụng ưu đãi lĩnh vực nông, lâm, thủy sản

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 8.3.2025, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1.3.2025 và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Agribank đã đăng ký triển khai chương trình tín dụng ưu đãi lĩnh vực nông, lâm, thủy sản quy mô 20.000 tỉ đồng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Giá vàng đang tăng rất mạnh

Sáng nay (18/4), giá vàng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng mạnh. Tuy nhiên, cùng loại vàng SJC là thương hiệu quốc gia nhưng giá bán ra lại khác nhau, thậm chí có doanh nghiệp niêm yết cao nhất lên tới 121 triệu đồng/lượng.

Làm gì khi uống phải thuốc giả?

Khi vô tình sử dụng thuốc nằm trong danh sách cảnh báo là hàng giả, điều quan trọng nhất là giữ bình tĩnh, xử lý kịp thời để giảm thiểu rủi ro cho sức khỏe.

Thủ đoạn tinh vi của đường dây sản xuất thuốc giả

Thuốc giả sau khi được sản xuất, các đối tượng trong đường dây bán ra thị trường qua hệ thống cộng tác viên bán hàng hoặc qua sàn thương mại điện tử. Quá trình mua bán chủ yếu nhận tiền mặt, không chuyển khoản để tránh ghi lại dấu vết.