Theo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa - đơn vị trực tiếp điều tra vụ án, các đối tượng sản xuất, buôn bán thuốc giả đã mua nguyên liệu là các loại tinh bột, chất kết dính, phụ gia trong y dược, than tre, chất tạo màu… để tự pha trộn, đóng gói thành thuốc chữa bệnh.

11 trong số 14 nghi phạm bị bắt giữ
ẢNH: CÔNG AN THANH HÓA
Các đối tượng trong đường dây đã thuê và đặt xưởng sản xuất thuốc giả ở 6 tỉnh, thành phố trên cả nước, gồm: Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp, Hà Nội và TP.HCM.
Các xưởng sản xuất thường nằm ở khu vực hoang vắng, xa khu dân cư, và thuê người dân kém hiểu biết để thực hiện các công đoạn sản xuất.
Người được thuê phải ăn ở khép kín trong xưởng nhằm mục đích hạn chế nhất thông tin lộ ra ngoài. Quá trình sản xuất từ khâu mua nguyên liệu cho đến đóng gói bán ra thị trường đều chia tách ở các nơi khác nhau, nơi thì sản xuất viên nén, nơi đóng vỏ, nơi in ấn… chứ không tập trung thực hiện cùng một chỗ.
Thuốc giả sau khi được sản xuất, các đối tượng cầm đầu đường dây sử dụng hệ thống cộng tác viên bán hàng, hoặc bán trên các sàn thương mại điện tử. Giao dịch chủ yếu bằng tiền mặt, hoặc chuyển hàng qua hình thức giao - nhận hàng từ dịch vụ vận chuyển hàng thuê.

Khi lực lượng công an khám xét các xưởng sản xuất thuốc giả phát hiện nhiều thiết bị, máy móc đang làm thuốc giả
ẢNH: CÔNG AN TỈNH THANH HÓA
Tự nghĩ ra tên thuốc, bịa ra công dụng
Quá trình điều tra còn phát hiện trong nhiều chuyến giao hàng, các đối tượng còn giao hàng chưa thành phẩm (chưa đóng hộp thuốc), như lúc thì giao viên nang chưa đóng gói, lúc giao vỏ hộp thuốc… để đề phòng nếu có bị bắt giữ cũng là hàng hóa chưa thành phẩm.
Các thành viên trong đường dây sản xuất thuốc giả thường liên hệ với nhau qua các ứng dụng của mạng xã hội, sau khi trao đổi, liên hệ thì tin nhắn bị xóa ngay lập tức để xóa dấu vết.
Ngoài làm giả một số loại thuốc thật, đường dây này còn tự nghĩ ra tên thuốc, bịa ra công dụng chữa bệnh của thuốc rồi in thông tin, địa chỉ nơi sản xuất theo địa chỉ một số trụ sở đại sứ quán ở nước ngoài để đánh lừa người dân đó là hàng xách tay, hoặc hàng hóa có xuất xứ ở nước ngoài.
Qua vụ án trên, Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo người dân khi mua các loại thuốc chữa bệnh thì đến các cửa hàng được Nhà nước cấp phép, có hóa đơn, chứng từ, không mua bán hàng trôi nổi, hàng xách tay... để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất thuốc giả quy mô rất lớn do Trịnh Doãn Giáo (40 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) và Nguyễn Tiến Đạt (34 tuổi, ngụ tại chung cư Hapulico, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cùng cầm đầu.
Ngoài Giáo và Đạt, còn có 12 nghi phạm khác (Công an Thanh Hóa chưa cung cấp danh tính) tham gia đường dây sản xuất thuốc giả đã bị Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ điều tra.
Cơ quan công an cũng đã thu giữ tổng cộng gần 10 tấn thuốc giả, nguyên liệu làm thuốc, các loại bao bì...