"Mình cũng từng có thói quen mua sắm theo sở thích, thấy đẹp là mua. Và cũng không có gì bất ngờ khi ví mình sạch bóng mỗi khi vừa lấy lương." Vĩ Cường (26 tuổi, Hà Nội), hiện tại đang làm quản lý khách sạn của công ty liên doanh Nhật - Hàn, chia sẻ về những sai lầm trong chuyện chi tiêu của mình. Cường cho biết, cũng như bao bạn trẻ khác, khi mới ra trường chưa ý thức được việc tiết kiệm và quản lý tài chính quan trọng thế nào. Nên cứ làm được bao nhiêu tiền, lại đổ hết vào mua sắm. Từ việc mua sắm nhỏ như đổi chiếc điện thoại xịn, hay mua chiếc xe máy mới vì chiếc xe cũ đã không còn hoạt động tốt, rồi cả những món đồ mua chẳng biết để làm gì. Để rồi suốt vài năm sau đó, tất cả tiền lương đều phải chi cho việc trả nợ.
Vĩ Cường cho biết rằng, chỉ vì đổ tiền vào những món đồ chạy theo xu hướng đó, đã khiến anh chàng phải sống trong một hoàn cảnh không thể nào khó khăn hơn. Nó khiến Cường phải nghiêm túc kiểm điểm lại bản thân trong chuyện tài chính.
Vướng vào nợ nần chỉ vì mua sắm theo trào lưu
Mình từng có thời gian bị cuốn vào vòng xoáy mua sắm công nghệ. Thích những mẫu điện thoại mới nhất, chiếc máy tính có nhiều vượt trội nhất, những mẫu quần áo, nước hoa theo trào lưu. Nhưng sự thật là, tận cho đến khi sở hữu những thứ đó, mình vẫn cảm thấy không đủ, và không thấy vui hơn chút nào. Thậm chí, khi chạy theo những thứ đó, tình hình tài chính của mình trở nên tệ hơn. Và cảm giác phải đuổi theo làn sóng tiêu dùng khiến mình mệt mỏi.
Vài năm trước, để sở hữu được những món đồ mình "thích", mình vay 1 khoản tiền 80 triệu từ ngân hàng với hình thức trả góp trong 3 năm, tiền lãi khoảng 25 triệu. Bỏ tiền mua chiếc xe tay ga 36 triệu, chiếc điện thoại xịn 16 triệu, và mua chiếc máy tính 20 triệu. Khi nghĩ về thời gian này, mình cũng tự thấy "hãi" với bản thân, không biết lấy tự tin đâu ra để trả nợ. Thêm cả thói quen mua sắm vô tội vạ, mình tạo thêm 2-3 khoản nợ khác, vay từ bạn bè và người thân, mỗi người khoảng 3-4 triệu đồng. Và có một điều khiến mình cảm nhận rõ ràng nhất, là khi mức thu nhập càng cao, thì nhu cầu phát sinh càng nhiều, mức độ chi tiền ngày càng khủng khiếp.
Những ngày cuối tháng khi nhận lương quả thực là đau khổ. Chưa kịp làm gì mà tiền lương đã bay sạch vì những khoản nợ. Từ khoản lương hơn 10 triệu, mình chỉ còn lại 1 triệu rưỡi hàng tháng để trả chi phí sinh hoạt. Sau khoảng 3-4 tháng dày vò đó, mình quyết tâm phải thoát khỏi nó. Và điều mình làm, là lên kế hoạch tối giản hóa cuộc sống từ những điều nhỏ nhất.
Kế hoạch tối giản hóa cuộc sống và tiết kiệm nhiều hơn
Thứ nhất, mình dừng lại việc mua sắm những thứ không cần thiết .
Để làm được điều này, điều quan trọng nhất là ý chí của bạn. Mình đã trải qua khoảng thời gian sống ở mức sống quá tệ, nên không đời nào mình muốn quay lại cảnh đó.
Ngày trước, thay vì cứ có tiền là nghĩ ngay đến món đồ mình muốn mua. Thì bây giờ, phải thực sự có ích cho cuộc sống mình mới cân nhắc để mua. Việc đơn giản nhất bạn có thể rèn luyện cho trí não của mình, là việc "trì hoãn mua sắm".
Tức là, trước khi quyết định mua món đồ đó, hãy đưa ra 3 lý do để bạn mua: Bạn sử dụng món đồ này cho mục đích gì? Dùng được trong bao lâu? Tình hình tài chính hiện tại có cho phép hay không? Sau đó, hãy tìm các sản phẩm thay thế, có công dụng giống nhau nhưng ở mức chi phí thấp hơn. Và dành ít nhất 1-2 tuần sau để đưa ra quyết định có xuống tiền hay không. Khi áp dụng phương pháp này, mình đã loại bỏ được kha khá những món đồ linh tinh.
Thứ hai, tạo thói quen chi tiêu hàng tháng
Mình bắt đầu liệt kê tất cả khoản thu - chi hàng tháng, để không còn mơ hồ như lúc trước. Từ chi phí sinh hoạt như ăn uống, xe cộ, đến chi tiêu mua sắm, đám đình, vui chơi cùng bạn bè,... đến những khoản nợ cần phải trả. Sau khi tính toán, cắt bớt những khoản không cần thiết, bất ngờ là mình dư được thêm 3 triệu để bỏ vào tiền trả nợ hàng tháng.
Ví dụ: Ngày trước, nếu việc chi trả cho cốc trà sữa 50k một cách thoải mái. Thì giờ đây, trước khi mua, mình tự hỏi bản thân: "Liệu mình có thực sự cần mua chúng hay không? Hay đây chỉ là cảm giác thèm nhất thời? Nếu không uống thì có ảnh hưởng gì không?" Và câu trả lời là - Không! Vậy thì cần gì phải xuống tiền mua nữa. Đương nhiên khi này, bạn cần phải quản lý cảm xúc của bản thân thật tốt.
Rồi những lần bạn bè rủ cafe mỗi khi rảnh, thay vì chọn những loại đồ uống mắc tiền, mình chỉ uống nước lọc hoặc nước ép. Ít nhất, khi này, mình có cảm giác khoan khoái đến lạ thường, dù chẳng cần uống những món đồ nhiều tiền như trước. Ngạc nhiên là mình chẳng có cảm giác sống kham khổ gì, mà lại có cảm giác hài lòng hơn với những sự lựa chọn giúp tiết kiệm này. Một bước tiến lớn trong suy nghĩ mà mình thấy rất tự hào.
Thứ ba, tận dụng thời gian để kiếm tiền
Thay vì chạy qua chỗ này xem quần áo, chỗ kia xem quảng cáo đồ điện tử mùa này, xem người khác giới thiệu sản phẩm hay ho. Hay lên mạng lướt xem các chương trình giảm giá, những món đồ đang xu hướng dạo gần đây, mình lựa chọn kiếm thêm việc để làm. Thật sự không nghĩ thời gian rảnh trước đây lại nhiều như thế. Từ khi thay đổi những thói quen nhỏ nhặt, mình cảm thấy tự do hơn nhiều với quỹ thời gian của mình.
Tận dụng thời gian và sử dụng kỹ năng chỉnh sửa, chụp ảnh, mình nhận thêm những công việc có thời gian linh hoạt. Càng bận rộn, càng ít có thời gian để nghĩ đến chuyện tiêu tiền. Và sau khoảng hơn 2 năm, mình đã trả hết số nợ từng vay, còn có thêm những khoản phí đi kèm vì trả nợ ngân hàng trước hạn. Trải qua khoảng 2 năm sống trong nợ nần - kiếm tiền - trả nợ, tâm trạng và cuộc sống của mình cứ như tàu lượn. Nó khiến tâm lý mình thay đổi một cách rõ rệt. Bây giờ, mình rất sợ phải quay lại cuộc sống như thế 1 lần nữa.
Tiền càng ít thì càng phải học cách quản lý, nếu không sẽ hình thành thói quen tiêu bao nhiêu cũng hết. Đừng để tình trạng túng thiếu tiền bạc để trả nợ như quá khứ của mình. Vì hoặc là nó sẽ ám ảnh chuyện chi tiêu của bạn cả đời, hoặc là bạn phải làm cả đời chỉ để trả nợ vì chạy theo những nhu cầu thực sự không cần thiết. Ý chí của con người có hạn, vậy nên hãy tiêu tiền cho những thứ thật sự quan trọng trong cuộc sống, đừng chạy theo dòng chảy của tiêu dùng!