Tập thể dục là hoạt động cần thiết để duy trì sức khỏe tổng thể. TS.BS Phạm Thị Lệ Quyên, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, lưu ý tránh một số cách tập luyện dưới đây để bảo vệ phổi.
Tập luyện trong môi trường ô nhiễm
Khi tập luyện, phổi có thể tiếp xúc nhiều hơn với chất ô nhiễm do hít thở sâu hơn. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến viêm đường hô hấp, co thắt phế quản, làm trầm trọng các bệnh như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính... Bác sĩ Quyên khuyến cáo chọn địa điểm tập luyện tại nơi có không khí trong lành như công viên, khu vực có nhiều cây xanh hoặc tránh giờ cao điểm, khi nồng độ ô nhiễm thường ở mức cao.
Tập luyện khi thời tiết quá lạnh có thể gây co thắt phế quản, nhất là ở người hen suyễn hoặc quá nhạy cảm với không khí lạnh. Ngược lại, tập trong thời tiết nóng ẩm làm tăng nguy cơ mất nước, khiến dịch nhầy trong phổi đặc lại, khó thải độc tố. Mọi người nên điều chỉnh thời gian, cường độ tập phù hợp với điều kiện thời tiết.
Không khởi động đúng cách
Chuyển đổi đột ngột từ trạng thái nghỉ ngơi sang hoạt động cường độ cao làm cho phổi không có đủ thời gian thích nghi, gây khó thở, tăng nguy cơ co thắt phế quản ở người bị hen suyễn hoặc bệnh hô hấp khác. Khởi động 5-10 phút với cường độ nhẹ giúp phổi thích nghi dần với nhu cầu oxy tăng cao khi tập luyện.

Không khởi động trước tập luyện có thể gây khó thở, tăng nguy cơ co thắt phế quản. Ảnh: Thế Vinh
Thở không đúng kỹ thuật khi tập luyện
Bác sĩ Quyên cho hay nhiều người có xu hướng nín thở hoặc thở nông khi tập luyện, nhất là khi nâng tạ hoặc thực hiện động tác đòi hỏi sức mạnh. Thói quen này làm giảm lượng oxy cung cấp cho cơ bắp, tăng áp lực lên ngực và phổi, dễ gây chóng mặt hoặc tăng huyết áp. Thực hành thở đúng cách, hít vào khi thả lỏng và thở ra khi gắng sức giúp tối ưu hóa lượng oxy cho cơ thể và giảm áp lực lên hệ hô hấp.
Tập quá sức
Tập luyện với cường độ cao vượt quá khả năng của cơ thể có thể gây căng thẳng cho hệ hô hấp. Tình trạng này thường thấy ở người mới bắt đầu tập hoặc người tập theo phương pháp HIIT (tập cường độ cao ngắt quãng) không đúng cách. Tăng cường độ tập từ từ, lắng nghe phản ứng của cơ thể và điều chỉnh phù hợp là những điều cần lưu ý.
Tập luyện khi mắc bệnh hô hấp cấp tính
Tiếp tục tập luyện khi bị cảm cúm, viêm phổi hoặc các bệnh đường hô hấp cấp khác có thể làm trầm trọng tình trạng viêm nhiễm, kéo dài thời gian hồi phục. Người bệnh dễ gặp biến chứng như suy hô hấp gây nguy hiểm. Người bệnh nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi tập thể dục thể thao trong giai đoạn này.
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |