13 năm sau thảm họa kép động đất - sóng thần làm rung chuyển nhà máy Fukushima Daiichi (Nhật Bản) và gây rò rỉ phóng xạ trong khu vực, các hoạt động dọn dẹp ở đây vẫn được tiến hành.
Theo trang IFLScience ngày 9-4, tháng trước, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã thực hiện cuộc điều tra nội bộ mới nhất về lò phản ứng số 1, nơi xảy ra sự cố nghiêm trọng nhất trong thảm họa ngày 11-3-2011.
Sóng thần làm ngập các máy phát điện dự phòng, ngắt điện máy bơm làm mát lõi lò phản ứng nơi đây. Nhiệt độ tăng cao khiến lò phản ứng số 1 tan chảy, giải phóng lượng phóng xạ nguy hiểm ra môi trường xung quanh.
Trong nỗ lực mới nhất để dọn dẹp khu vực, TEPCO đã cử robot thăm dò vào bên trong lò phản ứng số 1 để kiểm tra lõi và nhiên liệu hạt nhân tan chảy của nó.
Các robot đã chụp được ảnh "các chất kết dính giống băng" và "các vật thể vón cục" trên tường của khu vực sâu bên trong lò phản ứng. Những thứ bất thường này có thể là sản phẩm của nhiên liệu hay thiết bị bị tan chảy đã cứng trở lại sau khi nguội đi.
"Chúng tôi đã thu được thông tin rất hữu ích", một quan chức TEPCO nói.
Lò phản ứng số 1 không phải là khu vực duy nhất cần dọn dẹp. Sự cố nóng chảy cũng xảy ra ở lò phản ứng số 2 và 3. Ước tính 3 lò phản ứng bị ảnh hưởng chứa tổng cộng khoảng 880 tấn mảnh nhiên liệu tan chảy, và TEPCO hy vọng có thể loại bỏ tất cả chúng.
Việc dọn dẹp nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã đạt bước tiến lớn trong năm 2023 khi cuối cùng họ cũng xả nước thải đã qua xử lý từ thảm họa hạt nhân vào Thái Bình Dương - một cột mốc quan trọng trong quá trình dọn dẹp.
Tuy nhiên, TEPCO cũng gặp không ít khó khăn khi nhiều robot được cử vào trong nhà máy nhưng có rất ít robot có thể trở ra do hỏng hóc bên trong khu vực nhiễm phóng xạ.
Năm 2017, tàn tích Fukushima đã được mệnh danh là "nghĩa địa robot".
TEPCO cho biết phải mất 30-40 năm để dọn dẹp sạch nhà máy, song nhiều người cho rằng công ty quá lạc quan khi đưa ra con số này.