Thời sự

Tại sao nhiều tập đoàn FDI lớn khảo sát nhưng vẫn chưa rót tiền vào Việt Nam?

Năm 2023, Việt Nam nâng cấp quan hệ với nhiều đối tác quan trọng như Mỹ hay Nhật Bản, kéo theo đó là hàng loạt đoàn doanh nghiệp nước ngoài đã đến Việt Nam khảo sát trong đó có nhiều tên tuổi tầm cỡ thế giới như Nvidia, John Cockerill, Synopsys, Cadence...

Trong năm ngoái, số lượng đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam khảo sát được ước tính lên tới hàng trăm đoàn đến từ khắp các quốc gia trên thế giới song đến nay số lượng doanh nghiệp tầm cỡ thế giới rót tiền vào những lĩnh vực mà Việt Nam khuyến khích như điện tử hay bán dẫn vẫn khá ít ỏi.

Xu hướng đầu tư FDI toàn cầu chậm lại

Nỗ lực hút vốn từ các nước phát triển song bối cảnh không thuận lợi khi xu hướng đầu tư FDI trên toàn cầu đang chậm lại. Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), dòng vốn FDI toàn cầu, giảm 12% vào năm 2022 và mới tăng trở lại 3% trong năm 2023 đạt mức 1.370 tỷ USD.

Còn tại Việt Nam, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong năm 2023 tăng hơn 32%, đạt 36,61 tỷ USD, tuy nhiên vốn FDI thực hiện chỉ tăng 3,5%, đạt mức 23,18 tỷ USD.

Vốn FDI vào Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023. (Nguồn: Tổng cục Thống kê, Hạ An tổng hợp).

Điểm qua tình hình đầu tư của một số nhà đầu tư của Việt Nam tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan diễn ra chiều 8/4, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ông Đỗ Nhất Hoàng cho hay trong khi xu hướng đầu tư trên thế giới chậm lại thì đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam, đặc biệt là Đài Loan, vốn FDI năm 2023 tăng gấp đôi so với năm trước đó từ 1,35 tỷ USD lên 2,88 tỷ USD.

Các dự án đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam hiện nay chủ yếu là các tập đoàn thuộc top 10 thế giới và dự án quy mô lớn. Đối với những dự án quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động thì Việt Nam cũng không tiếp nhận.

Với riêng Đài Loan, trong năm 2023, giá trị đầu tư từ khu vực này và cả số lượng dự án đều tăng lên gấp đôi. Thời gian tới Đài Loan cũng có rất nhiều các dự án đầu tư mới cũng như mở rộng tại Việt Nam.

 Số vốn và số dự án cấp mới năm 2023 từ các đối tác chính. (Nguồn: Tổng cục Thống kê, Hạ An tổng hợp).

Tuy nhiên, các nhà đầu tư truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc lại đang gặp nhiều vấn đề cản trở quyết định đầu tư, đặc biệt là khi đồng yen và won đang mất giá mạnh so với USD (khoảng 30%).

Trong nhiều năm qua, đầu tư FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam luôn là số 1, trong đó chỉ riêng Samsung đã đầu tư 22 tỷ USD và đang tiếp tục triển khai các dự án khác.

Năm ngoái ông Tổng thống Hàn Quốc sang Việt Nam, có hàng trăm doanh nghiệp đi theo trong đó có 22 tập đoàn lớn. Lần đầu tiên Tổng thống Hàn Quốc đi nước ngoài mà có số lượng tập đoàn lớn đi cùng nhiều đến như vậy. 

Các doanh nghiệp châu Âu thì quan tâm nhiều đến tăng trưởng xanh và nếu không đạt được yêu cầu về xanh thì khó có thể thu hút đầu tư. Còn với doanh nghiệp Mỹ, sau chuyến thăm của Tổng thống John Biden, rất nhiều các tập đoàn, Hiệp hội chip Mỹ và cả các khu vực đối tác đã đến Việt Nam.

Ông Hoàng cho biết, năm vừa qua rất nhiều doanh nghiệp Mỹ và các nước đã đến với Việt Nam âm thầm lặng lẽ khảo sát về hệ sinh thái chip bán dẫn như: Ông Yong Hoang, Chủ tịch của Tập đoàn Naveria, Hiệp hội chip của Đài Loan hay Hiệp hội chip của châu Á đều đã đến Việt Nam. Họ đánh giá Việt Nam là một trong số các thị trường mới nổi và rất tiềm năng.

Cần có đối tác xứng tầm

Có nhiều lý do khiến Việt Nam vẫn chưa thể bùng nổ trong việc thu hút FDI vào những lĩnh vực mới như AI hay bán dẫn. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, những điều mà doanh nghiệp bán dẫn muốn là ưu đãi về mặt thuế, chi phí và hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao và các nhà cung cấp đáp ứng được tiêu chuẩn của họ.

Trao đổi với chúng tôi, TS. Phan Hữu Thắng, Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho hay trước đây Việt Nam đã phải cạnh tranh với nhiều quốc gia như Ấn độ, Thái Lan… để Intel chọn Việt Nam. Bối cảnh bây giờ cũng tương tự như vậy, muốn thu hút các dự án bán dẫn lớn của Mỹ, Việt Nam buộc phải cạnh tranh với Ấn độ với Malaysia, Indonesia,… những quốc gia đã có lợi thế trong chuỗi sản xuất ngành bán dẫn.

Tập đoàn bán dẫn lớn của Mỹ - Lam Research mới đây cũng công bố thương vụ đầu tư vào ngành bán dẫn Việt Nam thông qua việc hợp tác với Tập đoàn Seojin (Hàn Quốc) đang có nhà máy tại Bắc Giang. Lam Research dự kiến hợp tác với Công ty Seojin (Hàn Quốc) để phát triển nhà máy cùng chuỗi cung ứng trong giai đoạn 1 với số vốn 1 - 2 tỷ USD. Sau giai đoạn 1, Lam Research có thể đầu tư trực tiếp và tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Điều này cho thấy, dự án của Mỹ sẵn sàng vào Việt Nam nhưng họ khó có thể tìm được đối tác nội địa phù hợp mà phải hợp tác với những tập đoàn lớn hơn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan hay Singapore.

Câu chuyện của Nvidia - ông lớn hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) khảo sát nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và mới đây đã công bố thương vụ đầu tư vào Indonesia cũng là một lời "cảnh tỉnh" cho Việt Nam trong thu hút đầu tư FDI. 

Theo CNBC  ngày 6/4, Nvidia đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm AI trị giá 200 triệu USD ở Indonesia với sự hợp tác của "gã khổng lồ" viễn thông địa phương - Indosat Ooredoo Hutchison. Động thái này được thực hiện khi công ty công nghệ Mỹ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động vào Đông Nam Á.

Bộ trưởng Công nghệ thông tin và Truyền thông Indonesia, Budi Arie Setiadi thông tin cơ sở mới sẽ có trụ sở tại thành phố Surakarta thuộc tỉnh Trung Java và sẽ củng cố cơ sở hạ tầng viễn thông, nguồn nhân lực và nhân tài kỹ thuật số địa phương.

Có thể thấy ngoài những nguyên nhân khách quan như xu hướng đầu tư nước ngoài chậm lại, sự bất ổn của kinh tế thế giới thì việc thiếu các cơ chế hấp dẫn và đối tác địa phương xứng tầm cũng là những nguyên nhân cản trở dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Chủ tịch Nvidia - Jensen Huang cũng từng đến Việt Nam khảo sát. (Ảnh: VGP).

rót tiền vào. Ngoài ra, câu chuyện hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng rất quan trọng bởi các dự án bán dẫn đều có giá trị rất lớn lên tới hàng tỷ thậm chí hàng chục tỷ USD nên họ cân nhắc rất kỹ.

"Các nước phát triển trên thế giới đang cạnh tranh rất khốc liệt trong sản xuất chip, còn Việt Nam chắc chắn chưa thể đạt đến trình độ đó", ông Thắng cho hay.

Vì vậy, theo chuyên gia Phan Hữu Thắng, muốn mở rộng sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi cung ứng này, cần mở cửa, tạo điều kiện nhất, làm sao để các dự án công nghệ cao vào Việt Nam nhất là thu hút cả các doanh nghiệp nằm trong chuỗi sản xuất Hàn Quốc, Đài Loan để có thể làm đối tác được với các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm