Sau thao tác nhận diện khuôn mặt, chú robot MiR100 đã “khóa” mục tiêu tự động di chuyển theo Nguyễn Quang Hưng, dù xung quanh không gian khá chật và đông người di chuyển.
Robot MiR100 là sản phẩm của nhóm sinh viên năm 4 trường Cơ khí, ĐH Bách khoa Hà Nội, gồm: Nguyễn Quang Hưng - trưởng nhóm, Vũ Trung Kiên và Nguyễn Trung Hiếu.
Robot di chuyển theo trưởng nhóm Nguyễn Quang Hưng. Clip: Xuân Tùng |
Theo Hưng, robot đi theo con người có nhiều ứng dụng, trong đó có hỗ trợ cá nhân, chăm sóc sức khoẻ, an ninh và hậu cần...
Nguyễn Quang Hưng cho biết, robot sử dụng YOLO11 để phát hiện người và nhận dạng khuôn mặt để theo dõi những cá nhân đã đăng ký; sử dụng camera RealSense D435, hệ thống duy trì khoảng cách theo dõi an toàn thông qua cảm biến độ sâu.
Khi gặp chướng ngại vật, đặc biệt là con người, robot sẽ dừng lại ngay lập tức để tránh va chạm, ưu tiên sự an toàn hơn là điều chỉnh đường đi. Robot sử dụng phản hồi thời gian thực.
![]() |
Nhóm Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Trung Hiếu, Vũ Trung Kiên (từ phải sang) bên robot MiR 100. Ảnh: Xuân Tùng |
![]() |
Mô hình UAV cánh bằng có thể thay đổi vị trí trọng tâm tại không gian sáng tạo. Ảnh: Xuân Tùng |
Gần đó, nhóm Lương Hồng Phong, Đỗ Vĩnh Kỳ và Vũ Quốc Việt (sinh viên năm nhất Kỹ thuật Hàng không, trường Cơ Khí, ĐH Bách khoa Hà Nội) mang tới mô hình UAV cánh bằng có thể thay đổi vị trí trọng tâm.
Trưởng nhóm Lê Hồng Phong cho biết, thế giới đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hàng không, nhất là trong lĩnh vực phương tiện bay không người lái UAV. UAV có ứng dụng đa dạng trong đời sống từ mục đích dân dụng đến an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, với mỗi mục đích khác nhau, UAV có yêu cầu một cấu hình và thiết kế khác nhau về hình dạng, vật liệu… dẫn đến sự gia tăng về khối lượng nghiên cứu, tốn kém về thời gian và công sức khi phải phát triển và nghiên cứu từ đầu.
"Nhóm đã nghiên cứu, đề xuất giải pháp cho vấn đề này là thay đổi vị trí trọng tâm và đảm bảo cân bằng máy bay bằng cách dịch chuyển vị trí cánh dọc theo thân. Những điều này giúp rút ngắn thời gian nghiên cứu, tiết kiệm chi phí và tăng tính cơ động cho UAV”, Phong nói.
![]() |
Nhóm ba sinh viên Đỗ Vĩnh Kỳ, Lương Hồng Phong và Vũ Quốc Việt (từ trái sang phải) và mô hình UAV. Ảnh: Xuân Tùng |
Phong cho biết thêm, UAV cánh bằng có thể thay đổi vị trí trọng tâm được lấy ý tưởng từ loài cò trắng thân thuộc với đồng quê Việt Nam. Nhóm hy vọng nghiên cứu sớm ứng dụng thực tế góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Kết nối sinh viên, giảng viên và doanh nghiệp
Robot MiR100 và UAV cánh bằng có thể thay đổi vị trí trọng tâm là hai trong số 35 sản phẩm khoa học công nghệ của sinh viên Thủ đô được trưng bày tại Festival sáng tạo trẻ và trình diễn sản phẩm khoa học công nghệ (Innovation Expo); Hội thảo nhằm xét duyệt ý tưởng khởi nghiệp để hỗ trợ hoàn thiện (Demo day) năm 2025. Sự kiện do Thành Đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố Hà Nội tổ chức.
![]() |
Festival sáng tạo trẻ và trình diễn sản phẩm khoa học công nghệ; Hội thảo nhằm xét duyệt ý tưởng khởi nghiệp để hỗ trợ hoàn thiện năm 2025 diễn ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội. |
35 sản phẩm, mô hình, giải pháp công nghệ được giới thiệu thuộc nhiều lĩnh vực, như: Công nghệ thông tin, môi trường, giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp đô thị.
Trong đó, có dự án “vật liệu xây dựng đa năng từ phế thải nông nghiệp và công nghiệp” của nhóm sinh viên trường ĐH Xây dựng và trường ĐH Ngoại thương thực hiện; dự án sử dụng các phế thải nông nghiệp (rơm rạ...) và phế thải công nghiệp để chế tạo ra loại vật liệu xây dựng mới thân thiện với môi trường, giá thành rẻ.
![]() ![]() ![]() ![]() |
Sản phẩm, mô hình thuộc nhiều lĩnh vực được giới thiệu, trưng bày tại sự kiện. Ảnh: Xuân Tùng |
Anh Đào Đức Việt - Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Thành phố Hà Nội cho biết, Festival sáng tạo trẻ và trình diễn sản phẩm khoa học công nghệ là diễn đàn lớn dành cho những bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Chương trình cũng nhằm giới thiệu những thành quả, sản phẩm tiêu biểu, cũng như tạo cơ hội để các nhóm ý tưởng tiềm năng được tiếp cận chuyên gia, nhà đầu tư và các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp.
![]() |
Anh Đào Đức Việt thăm các sản phẩm, mô hình sáng tạo của sinh viên trong khuôn khổ sự kiện, chiều 16/5. Ảnh: Xuân Tùng |
Mỗi dự án tham gia Festival sáng tạo trẻ đều được phân công một giảng viên cố vấn chuyên môn theo sát quá trình hoàn thiện từ góc độ kỹ thuật, công nghệ và khả năng triển khai thực tế. Các nhóm đều có đại diện sinh viên giữ vai trò trưởng nhóm, chịu trách nhiệm phát triển sản phẩm, quản lý nhóm và trình bày trực tiếp trước hội đồng. Đây là một hình thức huấn luyện thực tế cho sinh viên về tư duy lãnh đạo, làm việc nhóm, cũng như năng lực thuyết trình và bảo vệ ý tưởng.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa sinh viên - giảng viên - doanh nghiệp trong chương trình là mô hình hỗ trợ sáng tạo khởi nghiệp được Thành Đoàn Hà Nội định hướng phát triển bền vững trong thời gian tới.