Trong đăng ký mới nhất, Teal Two Partners - cổ đông lớn thứ hai tại CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, Mã: VNS) đăng ký bán 2,5 triệu cổ phiếu VNS sau khoảng 10 năm đầu tư. Giao dịch dự kiến thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 29/9 đến ngày 29/10.
Với khoản đầu tư vào Vinasun của nhà quản lý quỹ từ Singapore, đây không phải giao dịch cơ cấu danh mục đầu tư thông thường. Bởi với thị giá hiện tại của VNS và số tiền mà Teal Two Partners đã chi ra, quỹ đã lỗ lớn sau một thập kỷ nắm giữ.
Thông tin về Teal Two Partners, đây là quỹ đầu tư được mở tại thiên đường thuế - quần đảo Cayman, thuộc công ty quản lý quỹ Tael có trụ sở tại Singapore.
Quỹ này không còn xa lạ thị trường với khoản đầu tư vào các doanh nghiệp như PAN, Vinasun, GTN. Ngoài Việt Nam, quỹ còn đầu tư tại 5 quốc gia Đông Nam Á khác gồm Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore và Philippines.
Sau khi đóng quỹ Teal One vào năm 2010, Tael thành lập quỹ thế hệ thứ hai lấy tên Teal Two và huy động được khoảng 700 triệu USD từ các nhà đầu tư châu Á, châu Âu, Mỹ và Trung Đông. Hoạt động giải giân khép lại vào tháng 12/2014, sau gần 4 tháng quỹ thực hiện đợt mua cuối cùng cổ phần Vinasun (ngày 5/9/2014).
Về hành trình đầu tư vào hãng taxi hàng đầu Việt Nam, tháng 12/2013, Vinasun phát hành riêng lẻ 3 triệu cp với giá 45.000 đồng/cp cho Teal Two Partners để tăng vốn điều lệ từ 405 tỷ đồng lên 435 tỷ đồng. Không lâu sau đó, cổ đông ngoại của Vinasun tiếp tục mua gom cổ phiếu VNS theo phương thức thỏa thuận tại hai mức giá 48.000 đồng/cp (3,1 triệu cp) và 41.000 đồng/cp (2,4 triệu cp).
Tổng số tiền Teal Two Partners giải ngân vào cổ phiếu Vinasun vào khoảng 383 tỷ đồng, tương đương 18 triệu USD ở thời điểm đó. Đây chính là thời kỳ hoàng kim nhất của hãng taxi của Việt Nam và đỉnh lịch sử cổ phiếu của họ.
Sau gần 10 năm rót vốn, ước tính quỹ ngoại trên nhận khoảng 130 tỷ đồng tiền cổ tức từ hãng taxi. Cùng với việc doaanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu, giá vốn khoản đầu tư vào VNS của Teal Two Partners giảm từ vùng giá 4x về còn khoảng 20.400 đồng/cp.
Hiện cổ phiếu VNS giao dịch quanh vùng giá 16.000 đồng/cp, nếu bán khớp lệnh ở điềm này, Teal Two Partners sẽ lỗ khoảng 20%.
Đó là câu chuyện của Teal Two Partners, còn với Vinasun, hãng taxi này đang trên hành trình tìm lại chính mình. Sau giai đoạn thịnh vượng nhất (2014 – 2016), kết quả kinh doanh của hãng taxi Việt giảm sút. Dịch Covid-19 cộng với sức nóng cạnh tranh từ các hãng xe công nghê từng khiến công ty lỗ ròng khoảng 480 tỷ đồng trong hai năm 2020 – 2021.
Sang năm 2022, Vinasun báo lãi trở lại 184 tỷ đồng, lợi nhuận nửa đầu năm nay đạt 92,6 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã thực hiện gần một nửa chỉ tiêu lợi nhuận hơn 209 tỷ đồng cả năm.
Với sự phục hồi trong kinh doanh, giá cổ phiếu VNS bật tăng kể từ giữa năm 2022. Mặc dù có nhịp tăng gấp đôi từ đáy, cổ phiếu VNS vẫn còn cách khá xa vùng đỉnh lịch sử. Con sóng tăng giúp nhà đầu tư “đu đỉnh” như Teal Two Partners giảm bớt mức lỗ nhưng chưa thể “vào bờ”.
, Red River Holding.