GDP sẽ vượt Singapore vào năm 2029
Báo cáo của Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập CEBR của Anh cho thấy, quy mô GDP của Việt Nam năm 2024 đạt 450 tỷ USD, tăng một bậc so với năm trước, lên thứ 34 trên thế giới và sẽ vượt Singapore vào năm 2029. Khi đó GDP của Việt Nam được dự báo lên mức 676 tỷ USD, trong khi Singapore là 656 tỷ USD.
Theo CEBR, kinh tế của Việt Nam sẽ tăng nhanh trong tương lai. Trong 5 năm tới, mức tăng trưởng trung bình dự kiến đạt 5,8%. Còn trong giai đoạn 2030-2039, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình sẽ là 5,6%/năm.
Tới năm 2039, quy mô GDP của Việt Nam sẽ đạt 1.410 tỷ USD, đứng thứ 25 trên thế giới, trong khu vực Đông Nam Á chỉ xếp sau Indonesia (ở vị trí thứ 10) và Philippines (22) và bỏ xa Thái Lan (xếp thứ 31), Malaysia (34) và Singapore (35).
Vào cuối năm 2024, quy mô GDP toàn cầu ước tính đạt 110 nghìn tỷ USD. Quy mô này sẽ tăng gấp đôi lên 221 nghìn tỷ USD vào năm 2039.
Quy mô GDP Việt Nam dự báo đạt 1.410 tỷ USD vào năm 2039. Nguồn: CEBR
Việt Nam đã gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao?
Hồi tháng 7, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới - World Bank (WB), trong năm 2023, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đạt gần 430 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4.347 USD/người.
Theo phân loại mới nhất áp dụng cho năm 2023-2024, Việt Nam chưa lọt nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình cao (upper-middle income).
Theo phân loại mới, tính từ 1/7/2023-1/7/2024, thu nhập bình quân đầu người của các quốc gia (GNI) được chia thành 4 nhóm: Các quốc gia có thu nhập bình quân dưới 1.135 USD thuộc nhóm quốc gia có thu nhập thấp, các quốc gia có thu nhập bình quân trong khoảng 1.136-4.465 USD thuộc nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp, các quốc gia có thu nhập bình quân trong khoảng 4.466-13.845 thuộc nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao. Và các quốc gia có thu nhập bình quân trên 13.845 thuộc nhóm quốc gia có thu nhập cao.
Thu nhập quốc gia (GNI) được tính bằng GDP cộng với chênh lệch giữa thu nhập của người lao động Việt Nam ở nước ngoài gửi về và thu nhập của người nước ngoài ở Việt Nam gửi ra và chênh lệch giữa thu nhập sở hữu nhận được từ nước ngoài với thu nhập sở hữu trả cho nước ngoài.
Theo CEBR, GDP/đầu người của Việt Nam năm 2024 đạt 4.469 USD. Như vậy, nếu theo phân loại nói trên, Việt Nam có thể đã lọt nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao.
Cũng theo CEBR, năm 2025 GDP/đầu người của Việt Nam sẽ đạt 4.783 USD (xếp thứ 124 trên thế giới), và 2029 là 6.463 USD (xếp 117) và tới năm 2039 là 12.727 USD (xếp thứ 100 trên thế giới).
Tới năm 2039, quy mô GDP của Việt Nam sẽ đạt 1.410 tỷ USD, đứng thứ 25 trên thế giới. Nguồn: CEBR
Tuy nhiên, cũng theo CEBR, GDP bình quân đầu người của Việt Nam theo sức mua tương đương (PPP) trong năm 2024 đã đạt mức 16.193 USD và được phân loại là quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Về GDP/đầu người, Việt Nam vẫn xếp ở mức khá thấp so với khu vực. GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan, và Indonesia. Trong năm 2024, thứ hạng cũng chưa có thay đổi.
Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), đến năm 2026, Việt Nam sẽ vươn lên đứng thứ 4 trong nhóm ASEAN-6 về GDP bình quân đầu người, đạt 6.140 USD/người, xếp sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và vượt qua Indonesia, Philippines.
Công nghệ có thể giúp Việt Nam bứt phá nhanh hơn
Trước đó, một số tính toán cho thấy, Việt Nam mất hơn 10 năm để bắt kịp Thái Lan về GDP bình quân đầu người, gần 20 năm để đuổi kịp Malaysia, và 50 năm để vượt Singapore. Dù vậy, tất cả đều được tính toán dựa trên nhiều giả thiết. Trên thực tế, còn có rất nhiều biến số.
Dù vậy, cũng có thể có trường hợp Việt Nam bứt phá với tốc độ nhanh hơn.
Hiện Việt Nam là một trong những nước duy trì được tốc độ phát triển rất nhanh sau đại dịch. Việt Nam có độ mở kinh tế rất lớn với rất nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương và là điểm đến của dòng vốn FDI, cũng như là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam đang là đối tác chiến lược toàn diện với nhiều nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật…
Năm 2024, Việt Nam ghi nhận khá nhiều tín hiệu tích cực, trong đó có hiện tượng “đại bàng” tỷ USD dồn dập đến Việt Nam với các kế hoạch rót vốn đầu tư. Trong năm 2024, dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam, có thể đạt 40 tỷ USD, thuộc top 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới.
Nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ đã "cập bến" Việt Nam. Đó là sự trở lại của tỷ phú Jensen Huang vào đầu tháng 12, cùng với quyết định của tập đoàn chip lớn nhất thế giới Nvidia chọn Việt Nam xây dựng trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc), hay Google cũng chọn Việt Nam là nơi mở rộng chiến lược…
Hồi tháng 11, một nhà cung ứng của Apple - Foxconn công bố khoản đầu tư 80 triệu USD vào hoạt động sản xuất chip tại tỉnh Bắc Giang, còn Meta của tỷ phú Mark Zuckerberg có kế hoạch mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo. SpaceX của tỷ phú Elon Musk cũng lộ ý định đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, trong khi Tập đoàn Trump Organization sẽ đầu tư khoản tiền tương tự vào Hưng Yên.
Xu hướng bứt phá nhờ công nghệ được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng có được thứ hạng cao trong nền kinh tế thế giới.