Doanh nghiệp

Quỹ đứng sau Timo, DatBike quản lý hơn một tỷ USD

Quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Singapore vừa lập thêm quỹ IV với tổng nguồn vốn 600 triệu USD, gồm 450 triệu USD trong quỹ chính và 150 triệu USD cho các cam kết bổ sung. Như vậy, tổng tài sản đang quản lý (AUM) của Jungle Ventures lên hơn một tỷ USD, trở thành một trong những công ty đầu tư mạo hiểm độc lập của Đông Nam Á đạt cột mốc này.

"Thông qua quỹ mới mở, chúng tôi đặt mục tiêu củng cố vị thế và tiếp tục phương pháp tiếp cận xây dựng danh mục đầu tư tập trung với kế hoạch triển khai 15-18 khoản đầu tư tại khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á", ông Amit Anand - đồng sáng lập quỹ đầu tư cho biết.

Được thành lập năm 2012 bởi Amit Anand và Anurag Srivastava, ban đầu Jungle Ventures gia nhập thị trường với quỹ đầu tư 10 triệu USD. Quỹ tập trung tìm kiếm các thế hệ doanh nhân tiếp theo đến từ Đông Nam Á và Ấn Độ, xây dựng các công ty có mô hình kinh doanh bền vững.

Jungle Ventures thường rót vốn vào những doanh nghiệp công nghệ gồm thương mại điện tử, thương mại xã hội, fintech và insurtech, hỗ trợ B2B, xe điện, SaaS... Các nhà đầu tư tham gia quỹ hiện gồm Temasek, IFC, FMO, DEG, Ngân hàng Mizuho, StepStone Group... Đến nay, tổng giá trị các công ty trong danh mục của Jungle Ventures đạt trên 12 tỷ USD với tỷ lệ thua lỗ dưới 5%.

Tại Việt Nam, quỹ này đã dành hàng chục triệu USD rót vốn vào các startup như ngân hàng số Timo, hãng xe điện DatBike, nền tảng thương mại dành cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa KiotViet, nền tảng thương mại xã hội Mio, nền tảng chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm Medici...

Thời gian qua, các quỹ toàn cầu như Sequoia, Lightspeed Venture Partners, Accel, Venturi... bắt đầu đẩy mạnh việc mở rộng nguồn vốn để hỗ trợ các công ty tại khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á. Riêng Việt Nam, từ đầu năm đến nay đã có hàng trăm triệu USD từ nhiều quỹ đầu tư như Sequoia Capital, Saison Capital, Do Ventures, VNG... rót vào các startup.

Báo cáo mới đây của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào các startup đổi mới sáng tạo đạt khoảng 1,4 tỷ USD, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2019. Đến nay, Việt Nam có trên 200 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động và đầu tư cho các startup, trong số đó có gần 40 quỹ đầu tư nội địa.

Tổng số quỹ đầu tư tham gia hoạt động tại Việt Nam tăng 60%, trong đó Singapore là quốc gia có số lượng nhà đầu tư tích cực nhất. Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, thanh toán điện tử, thương mại điện tử và trò chơi trực tuyến lần lượt là những lĩnh vực đứng đầu trong thu hút vốn đầu tư.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm