Thời sự

Apple muốn mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam, phối hợp với doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị

Chiều ngày 17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, làm việc với các tập đoàn Intel, Apple và Google, những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới có trụ sở tại thung lũng Silicon, bang California, Mỹ.

Giám đốc điều hành Tập đoàn Apple Tim Cook cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho Apple kinh doanh tại Việt Nam, tham gia ngày càng sâu vào thị trường Việt Nam trong thời gian qua.

Ông cũng chia sẻ Apple mong muốn mở rộng chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam, phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi giá trị của Apple.

Tại Việt Nam, Apple không có nhà máy sản xuất trực tiếp nhưng có 31 nhà máy của các đối tác sản xuất thiết bị gốc tại 14 tỉnh, thành phố tại Việt Nam với khoảng 160.000 lao động; chuyên sản xuất các cấu phần điện tử (như bảng điện, camera, màn hình,…) cho sản phẩm Apple và lắp ráp hoàn thiện sản phẩm.

Trao đổi với Giám đốc điều hành Tập đoàn Apple, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư và tài chính là trọng tâm và động lực quan trọng để thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.

Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, dựa trên nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ tăng cường hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là trên lĩnh vực có ý nghĩa về cả kinh tế và chiến lược.

Thủ tướng đánh giá các sản phẩm của Apple đã trở nên rất được ưa chuộng trên thế giới, trong đó có Việt Nam; người dân Việt Nam ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt là ở khu vực thành thị, rất ưa chuộng các sản phẩm công nghệ của Apple. Với bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, chắc chắn rằng sản phẩm của Apple sẽ ngày càng được quan tâm nhiều hơn.

Thủ tướng cũng bày tỏ vui mừng trước việc Việt Nam đang tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có việc lắp ráp một số thiết bị của Apple.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Tập đoàn Apple chú trọng đầu tư phát triển hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, đưa các sản phẩm của Apple tới đông đảo phân khúc khách hàng, và Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường tiêu biểu của Apple ở khu vực Châu Á.

Về phía Apple, ông Tim Cook khẳng định sẽ tích cực xem xét đề nghị của Thủ tướng về việc tăng số lượng nhà cung ứng nội địa và nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ và hàng hóa nội địa cao hơn trong các sản phẩm của Apple trong thời gian tới.

Apple mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục có những chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ cao của Mỹ phát triển kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, làm việc với Tập đoàn Intel. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Cũng tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch điều hành Khối sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu của Intel, ông Keyvan Esfarjani, nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của Việt Nam trong chuỗi sản xuất của Intel, cũng như vai trò của nhà máy Việt Nam.

Intel Việt Nam đã đạt giải thưởng cao nhất về chất lượng của tập đoàn trong năm 2021, đây là minh chứng của chất lượng nhân lực và tầm quan trọng của nhà máy Intel Việt Nam đối với Tập đoàn.

Lãnh đạo Tập đoàn chia sẻ về những chiến lược, kế hoạch lớn thời gian tới. Intel đánh giá cao điều kiện hạ tầng, nguồn nhân lực… của Việt Nam và đánh giá Việt Nam là nơi rất tiềm năng cho các doanh nghiệp công nghệ tiếp tục mở rộng hoạt động.

Tập đoàn này cho rằng nhu cầu về các sản phẩm bán dẫn sẽ rất lớn khi thế giới phát triển những công nghệ mới gắn với dữ liệu lớn. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay, Intel muốn hài hòa nguồn cung ứng bằng việc mở rộng đầu tư ở nhiều nơi.

Tập đoàn Intel thành lập năm 1968 tại California, Mỹ, là một trong những nhà sản xuất chip xử lý và thiết bị bán dẫn hàng đầu thế giới, có ảnh hưởng lớn lên sự phát triển của thung lũng Silicon. Năm 2020, Intel được xếp hạng 45 trong danh sách Fortune 500.

Hiện Intel có hơn 121.000 nhân viên, doanh thu năm 2021 đạt 79 tỷ USD, lợi nhuận đạt 19,9 tỷ USD. Tại Việt Nam, Tập đoàn đã đầu tư nhà máy lắp ráp và kiểm định chip. Đến nay, Intel đã hoàn thành cam kết đầu tư giai đoạn I.  

Thủ tướng cũng đánh giá cao những đóng góp tích cực cho nền kinh tế, hoạt động xuất khẩu, việc làm cho người lao động và phát triển chuỗi cung ứng nội địa.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn Intel mở rộng đầu tư nhiều hơn nữa tại các địa phương ngoài TP HCM. Trên cơ sở quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng tin rằng việc đầu tư của Intel vào Việt Nam là lựa chọn thông minh.

Trong khi đó, Google cũng mong muốn đóng góp vào sự phát triển kinh tế Việt Nam và phát triển hệ sinh thái kỹ thuật số bền vững.

Tại cuộc  gặp, Thủ tướng đánh giá cao các hoạt động hợp tác của Google với phía Việt Nam thời gian qua, hoan nghênh các kế hoạch hợp tác mới của Google tại Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành chuyển đổi số toàn diện và xác định đây là một lĩnh vực mũi nhọn trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Google tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này, đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, qua đó, đóng góp vào quá trình xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số của Việt Nam.

Google (1998) là một công ty công nghệ đa quốc gia thuộc Tập đoàn Alphabet. Tổng số nhân viên trên toàn cầu là hơn 139.000 người. Năm 2020, doanh thu của Google đạt 147 tỷ USD.
 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm