Sau nhiều tháng thi công, dự án Tăng cường kết nối giao thông Tây nguyên trên QL19, đoạn qua các xã Mang Yang và Đắk Đoa (tỉnh Gia Lai, trước đây thuộc hai huyện Mang Yang và Đăk Đoa) đã cơ bản hoàn thành. Thế nhưng, niềm vui của người dân nhanh chóng bị phủ bóng bởi những tồn tại nhức nhối, đặc biệt ở hạng mục thoát nước và chất lượng mặt đường.

Nhiều hộ dân ở các xã Mang Yang và Đăk Đoa (Gia Lai) bức xúc về những bất cập trên QL19
ẢNH: TRẦN HIẾU
Thoát nước 'có mà như không'
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên vào giữa tháng 7 vừa qua, đoạn QL19 đi qua các xã nói trên đang trở thành "điểm nóng" về bất cập thoát nước. Tại khu vực cầu Linh Nham (xã Mang Yang), nước mưa không thoát kịp, tràn vào nhà dân kèm theo bùn đất, rác thải.
Một lãnh đạo xã Mang Yang cho biết, vị trí cuối hệ thống thoát nước đổ về cầu bị thiết kế bất hợp lý, khiến dòng chảy khi mưa lớn biến thành dòng lũ nhỏ "tấn công" nhà dân, gây thiệt hại không nhỏ cho sinh hoạt và kinh doanh.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở khu vực số nhà 573 đường Nguyễn Huệ, xã Đắk Đoa - nơi nước từ QL19 chảy tràn vào các đường nhánh đất đỏ rồi đổ thẳng vào nhà dân. Mặc dù địa phương đã làm việc với Ban Quản lý dự án 2 (chủ đầu tư dự án Tăng cường kết nối giao thông Tây nguyên) và đề xuất giải pháp khắc phục, đến nay tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Đường thảm nhựa xong chưa lâu đã hư hỏng, phải thảm lại
ẢNH: TRẦN HIẾU
Ngay tại ngã ba TT.Kon Dơng, H.Mang Yang cũ, hệ thống thu nước yếu kém khiến cứ mưa là nước tràn vào nhà dân. Điều này làm dấy lên nỗi lo không biết "đường mới" có đủ sức trụ qua một vài mùa mưa hay không.
Mặt đường vừa xong đã bong tróc
Không chỉ thoát nước yếu, chất lượng mặt đường trên tuyến QL19, đoạn qua Gia Lai cũng khiến người dân thất vọng. Nhiều đoạn, mặt đường mới thảm nhựa chưa lâu đã bong tróc, nham nhở, mất thẩm mỹ và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Đặc biệt, đoạn đường Nguyễn Huệ (xã Đắk Đoa) dù đã được sửa chữa, trám vá nhiều lần nhưng lớp nhựa vẫn tiếp tục hư hỏng. Đại diện UBND xã Đắk Đoa xác nhận: "Mặt đường cao hơn vỉa hè khiến nước mưa chảy ngược lên lề đường, không theo hệ thống thoát nước. Người dân bức xúc vì sửa mãi không xong".

Mặt đường nhựa trên QL19 bong tróc nhiều chỗ
ẢNH: TRẦN HIẾU
Trước những tồn tại kéo dài, UBND các xã dọc theo QL19 đã gửi văn bản đề nghị Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai và Ban Quản lý dự án 2 xử lý dứt điểm. Đặc biệt, địa phương đề nghị phải kiểm định độc lập chất lượng thảm nhựa và khẳng định sẽ không tiếp nhận bàn giao nếu công trình không đạt yêu cầu.
Dự án nghìn tỉ nhưng dân vẫn bất an
Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây nguyên dài 143,6 km, đi qua tỉnh Bình Định (cũ) 17 km và tỉnh Gia Lai (cũ) hơn 126 km. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 3.600 tỉ đồng.
Dù quy mô lớn và được kỳ vọng thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông khu vực nhưng quá trình thi công dự án liên tục vướng sai sót: chậm tiến độ, thiếu an toàn, bị "tuýt còi" nhiều lần bởi cơ quan chức năng. Đáng nói, chủ đầu tư dự án, Ban Quản lý dự án 2 (nay thuộc Bộ Xây dựng) vẫn tiếp tục được giao các gói dự án trọng điểm khác như tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Trong khi đó, người dân, những người trực tiếp sinh sống, đi lại trên tuyến QL19 vẫn ngày ngày đối mặt với nguy cơ nước tràn vào nhà, đường vừa đi đã hỏng. "Nghe tin làm đường ai cũng mừng, nhưng giờ mới đi chưa êm chân đã lo phải vá lại thì vui sao nổi", một người dân sống gần cầu Linh Nham bày tỏ.
Với vai trò là tuyến huyết mạch kết nối Đông Nam bộ, duyên hải và Tây nguyên, QL19 không chỉ cần hoàn thành đúng tiến độ mà còn phải đảm bảo chất lượng. Những bất cập hiện hữu cần được xử lý triệt để trước khi bàn giao, để mỗi mùa mưa không còn là mùa lo trên con đường nghìn tỉ.