
01
Một giáo sư của Đại học Giao thông Thượng Hải từng nói một câu rất đáng suy ngẫm: Trong xã hội hiện đại, mâu thuẫn giữa người với người chủ yếu đến từ một nhóm người luôn dùng tiêu chuẩn của thánh nhân để đòi hỏi người khác, nhưng lại dùng tiêu chuẩn của kẻ ti tiện để đối xử với chính mình. Họ thậm chí còn nhân danh "đạo đức", "lòng tốt" để ép buộc người khác, nhằm thỏa mãn lợi ích cá nhân.
Khi họ hàng, bạn bè đến mượn tiền, thường là trước tiên sẽ lấy tình cảm xưa cũ để trói buộc bạn, sau đó đem hoàn cảnh khốn cùng hiện tại ra "thiêu đốt" lương tâm bạn trong ngọn lửa đạo đức. Nếu bạn không cho mượn, bạn sẽ bị gắn mác "bạc nghĩa vô tình"; còn nếu đồng ý, rất có thể tiền sẽ một đi không trở lại. Đến lúc muốn đòi tiền, bạn lại chỉ nghe thấy những lời lẽ như lúc họ mượn tiền, và thế là bạn ngại không dám nói tiếp nữa.
Khi đồng nghiệp hay bạn học nhờ giúp đỡ, cũng thường bắt đầu bằng vài lời tâng bốc, nịnh nọt để nâng bạn lên thật cao, rồi hạ mình thấp xuống bằng câu: "Chỉ là chuyện nhỏ thôi mà, giúp một tay nhé."
Dường như việc đó với bạn đơn giản như trở bàn tay, quan trọng là bạn có "đạo đức" hay không, có sẵn lòng dang tay hay không. Nếu bạn từ chối, thế nào cũng bị nói xấu sau lưng; nếu đồng ý, bạn lại trở thành người làm không công.
Có người cũng từng nói: Trên đời có những người luôn tự đặt mình vào vị trí đạo đức cao hơn người khác, mang trong mình cảm giác ưu việt đạo đức. Họ có đặc điểm là: rộng lượng với chính mình, khắt khe với người khác, luôn lấy danh nghĩa đạo đức để áp đặt, phán xét, thậm chí chèn ép người khác.
Ở cạnh những người này, bạn sẽ luôn có cảm giác mình đang bị xét xử. Lâu dần, cuộc sống của bạn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự kiểm soát và thao túng của họ. Đối mặt với những kẻ không có đạo đức nhưng lại giương cao ngọn cờ đạo đức, cần từ chối thì hãy từ chối, cần chặn hãy cứ chặn.
Hãy luôn ghi nhớ: giúp là tình nghĩa, không giúp là bổn phận. Bạn không có nghĩa vụ phải trả giá cho sự "vô tư" của họ.

02
Có một kiểu người vô cùng khắt khe về đạo đức, không cho phép người khác có bất kỳ sai sót nào, dù là nhỏ nhất. Họ rất thích nhân danh đạo đức để tùy tiện chỉ trích, phán xét người khác. Ở cạnh những người như vậy, bạn chỉ cảm thấy gò bó, ngột ngạt, và luôn bị soi mói đến mức khó thở.
Nhà văn Zebra từng kể lại một trải nghiệm sau khi cô vừa tốt nghiệp đại học: Một người bạn cùng lớp có mẹ mắc ung thư vú. May mắn là bệnh được phát hiện sớm, gia đình bạn ấy lại khá giả, cả bố mẹ đều có bảo hiểm và lương hưu, nên chi phí chữa trị không phải vấn đề.
Thế nhưng phản ứng đầu tiên của người bạn đó không phải là đưa mẹ đi khám và điều trị, mà là ngay lập tức lên WeChat và mạng xã hội đăng bài than thở hoàn cảnh thương tâm, kêu gọi mọi người quyên góp. Vì đồng cảm, một số người đã lập nhóm quyên góp và kéo Zebra vào.
Lần đầu tiên, Zebra quyên 1.000 tệ – bằng một nửa tiền lương lúc đó của cô – vì tình bạn cũ. Không ngờ, chưa đầy nửa tháng sau, bạn học kia tiếp tục mở đợt quyên góp lần hai. Nhìn vào trang cá nhân của bạn ấy, Zebra thấy đầy ảnh check-in ăn ngon, chơi sang… Cuối cùng, cô chỉ đáp lại một câu: "Thật sự thông cảm, nhưng tôi không thể giúp thêm". Ngay lập tức, lớp trưởng trong nhóm liền lên tiếng mắng cô: "Cậu cũng có bố mẹ mà, sao lại vô cảm thế?" Zebra định giải thích, nhưng nghĩ lại, cô chỉ lặng lẽ rời nhóm, chặn cả bạn học lẫn lớp trưởng.
Cô rất đồng tình với câu nói của Quách Đức Cương: "Những người không biết gì mà luôn miệng khuyên bạn phải rộng lượng – hãy tránh xa họ. Bởi đến lúc trời đánh, bạn có thể bị vạ lây."
Vì những người đó không bao giờ quan tâm đến cảm xúc của bạn, họ chỉ biết dùng những lý lẽ "cao đẹp" để thao túng hành vi của bạn, nhằm thỏa mãn sự cao thượng giả tạo của bản thân.
Càng ở gần họ, bạn sẽ càng bạc đãi chính mình. Bạn bị đồng nghiệp cướp công, họ bảo: "Ăn thiệt là phúc." Bạn bị bạn vay tiền không trả, họ nói: "Đừng chấp nhặt." Bạn bị họ hàng trói buộc vì tình thân, họ nói: "Đều là người trong nhà cả." Bạn bị dân mạng mắng chửi, họ nói: "Đừng yếu đuối quá." Thế nhưng khi chính họ gặp chuyện, họ sẵn sàng mắng trời chửi đất.
Còn khi đến lượt bạn, họ lập tức hóa thân thành "thánh nhân" dạy bạn phải nhẫn nhịn, phải tha thứ, phải có lòng vị tha — như thể cả thế giới này chỉ mình họ là người cao cả, còn bạn thì nhỏ nhen, cố chấp và thiếu độ lượng.
Nếu bạn cố gắng giải thích hay tranh luận, không những không thay đổi được gì, mà còn khiến bản thân kiệt sức thêm. Thay vì dây dưa mãi với kiểu người như vậy, chi bằng ngay từ đầu hãy tránh xa họ. Càng sớm càng tốt.

03
Nhà văn người Trung Quốc, Tuân Dật, trong tiểu thuyết Dật Kiếm Quyết đã xây dựng nhân vật hiệp khách Lý Nguyên Hưng – một con người cương trực, cá tính mạnh mẽ. Một lần trên đường đi qua một ngôi làng nhỏ, Lý Nguyên Hưng phát hiện dân làng đang bị bọn sơn tặc cướp bóc. Sau một trận chiến ác liệt, anh đã đẩy lùi được bọn cướp, nhưng chỉ cứu được một vài mạng người. Những người sống sót, khi biết anh chính là vị hiệp khách lừng danh Lý Nguyên Hưng, nét mặt từ hoảng sợ chuyển sang phẫn uất, dáng người run rẩy bỗng chốc thẳng lưng hơn đôi chút. Họ không những không biết ơn mà còn oán giận, trách móc và nguyền rủa anh.
Lý Nguyên Hưng kinh ngạc, hỏi: "Chẳng lẽ các người không nên căm hận bọn cướp kia sao?" Thế nhưng dân làng lại chỉ chăm chăm trách móc anh: Tại sao không đến sớm hơn? Tại sao không cứu được người thân của họ? Tại sao không giết sạch lũ cướp? Cuối cùng, Lý Nguyên Hưng rút kiếm chỉ thẳng vào họ.
Cả đám dân làng sững sờ: "Anh vừa cứu chúng tôi, sao giờ lại muốn giết chúng tôi?" Lý Nguyên Hưng cười khẩy: "Thì ra các người cũng biết tôi vừa mới cứu các người."

Tình tiết này tuy là hư cấu, nhưng lại diễn ra hàng ngày trong đời sống thật.
- Ở chốn công sở, người bị chèn ép không dám phản kháng lại kẻ ức hiếp, mà chỉ biết đổ lỗi cho người giúp đỡ mình là chưa đủ tốt.
- Người già bị xe tông không tìm kẻ gây tai nạn mà lại bắt người đỡ mình dậy phải chịu trách nhiệm.
Nhà văn Lỗ Tấn từng viết: "Có những người trước kẻ mạnh thì ngoan ngoãn như cừu, nhưng khi gặp kẻ yếu lại hóa thành chó sói.
Kẻ mạnh rút dao chém kẻ yếu, kẻ yếu lại quay sang chém những người yếu hơn nữa."
Thậm chí còn tệ hơn là những kẻ: Trước kẻ ác thì làm cừu, trước người tốt lại hóa sói. Không dám chĩa dao về phía kẻ xấu, thì quay ra chém người thiện lương.
Một người dùng mạng xã hội có tên Duyệt Nhiên từng kể lại câu chuyện của mình: Hồi học cấp 3, cô có chơi thân với một bạn nữ. Người bạn ấy thường hay lợi dụng cô. Ban đầu chỉ là "quên mang thẻ ăn" rồi nhờ cô trả tiền giùm. Sau thì mượn đồ mà chẳng bao giờ trả lại. Vì nghĩ bạn bè với nhau không nên tính toán, cô đều bỏ qua. Cho đến một lần, người bạn đó sinh nhật, thích một chiếc vòng tay pha lê đắt tiền và ép Duyệt Nhiên phải tặng. Cô từ chối, vì giá quá cao. Bạn kia lại ngang nhiên nói: "Tôi nghèo nên mới xin cậu, không thì xin làm gì."
Duyệt Nhiên không chịu được nữa. Cô bước lên bục giảng giữa lớp, nói: "Có bạn nữ muốn một chiếc vòng pha lê. Mọi người góp tiền mua tặng bạn ấy nhé." Cả lớp cười ồ, còn bạn kia thì tím mặt, tức giận quát: "Cậu bị điên à?". Duyệt Nhiên bình tĩnh đáp: "Tôi cũng nghèo, nên đành nhờ mọi người giúp cậu". Từ đó về sau, bạn kia không dám lợi dụng cô nữa.
Nhà tâm lý học Vũ Chí Hồng từng nói một câu rất đáng nhớ: "Khi người khác cảm thấy bạn không dễ bắt nạt, họ mới bắt đầu tôn trọng bạn – và rồi mới có thể xây dựng một mối quan hệ lành mạnh".
Chỉ khi bạn không bị trói buộc bởi cái gọi là 'đạo đức', bạn mới không bị ai thao túng. Từ hôm nay, đừng tiếp tục chịu đựng thiệt thòi. Hãy học cách trở thành người 'không dễ chịu' một chút.
Như Dư Hoa từng viết: "Khi ta trở nên sắc bén với thế giới, thế giới bỗng trở nên dịu dàng với ta." Chỉ khi bạn có gai, không dễ bị bắt nạt, thì người ta mới biết cư xử với bạn tử tế.

▽
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa có câu: " Kẻ hay miệng nói nghĩa lớn, lúc lâm trận tất quay lưng phản bội".
Tương tự, những người suốt ngày treo đạo đức trên miệng, kỳ thực chẳng có bao nhiêu đạo đức thật sự - họ chỉ lấy đạo đức làm vũ khí để ràng buộc, thao túng người khác mà thôi.
Chỉ cần có cơ hội, họ sẽ áp đặt đúng sai theo cách nghĩ của mình để điều khiển bạn, thậm chí dùng đạo lý để ép buộc bạn làm theo ý họ.
Đối với những kiểu người này, việc bạn cần làm là giữ tỉnh táo, sớm nhận ra bản chất của họ và tránh xa - đừng để họ có cơ hội tiếp cận, càng đừng để họ có cơ hội "lấy đạo đức trói buộc bạn."