Công nghệ

Pong - tượng đài game thùng tròn 50 năm

Tháng trước, Pong được startup công nghệ Cortical Labs của Australia dùng để huấn luyện DishBrain - chip điều khiển kết hợp giữa công nghệ bán dẫn và các tế bào thần kinh. Game có cách chơi đơn giản tương tự môn bóng bàn, mỗi bên sử dụng vợt, là thanh thẳng ở hai cạnh màn hình, di chuyển lên/xuống để giữ bóng qua lại sao cho không bị rơi ra phía sau.

Trong thí nghiệm, điện cực kết nối DishBrain được đưa vào tế bào để thể hiện vị trí của vợt, sau đó phản hồi mỗi khi bóng đánh trúng hoặc trượt. Nói cách khác, bộ não nhân tạo có thể tự phản ứng, mở ra cơ hội trong việc điều trị các vấn đề về não, xa hơn là các robot có bộ não sinh học.

Trở lại 50 năm trước, khi máy tính có kích thước bằng một quầy cà phê, còn trò pinball thống trị tại các điểm giải trí, một trò chơi mới ra đời: Pong. Game được tạo ra bởi Allan Alcorn như một bài tập mà Nolan Bushnell, nhà đồng sáng lập Atari, giao cho ông. "Ông ấy muốn tôi thực hành thiết kế một trò chơi điện tử", Alcorn, lúc đó chưa hề có kinh nghiệm làm game, nhớ lại.

Nolan Bushnell (trái) và Allan Alcorn (phải) bên chiếc máy Pong đời đầu. Ảnh: Everett Collection Inc

Nolan Bushnell (trái) và Allan Alcorn (phải) bên chiếc máy Pong đời đầu. Ảnh: Everett Collection Inc

Bushnell ban đầu chỉ muốn Alcorn tạo ra một game nhỏ trong dự án cho đối tác của Atari là General Electric, nhưng đã truyền cảm hứng cho kỹ sư này đặt mục tiêu lớn với Pong. Sau khi mua chiếc TV đen trắng của Hitachi với giá 75 USD, Alcorn kết nối trò chơi, tạo hiệu ứng âm thanh, chế hai cần điều khiển, gắn vỏ xung quanh và xây dựng hệ thống chơi game tất cả trong một.

"Các yếu tố hình thành nên ý tưởng này là không cần sử dụng máy tính, chi phí không quá đắt và phải là một trò chơi điện tử", Alcorn nói.

Thực tế, trước Pong, đã có một trò chơi bóng bàn điện tử tương tự là Magnavox Odyssey. Đơn vị sản xuất Magnavox sau đó kiện Atari vì vi phạm bằng sáng chế nhưng không thành công. Sau này, cả hai đều được đánh giá là game console thành công về mặt thương mại, giúp thiết lập ngành công nghiệp trò chơi điện tử ngày nay.

Game Pong 1972. Video: WUSA9

Để thương mại hóa Pong, Bushnell và Alcorn bổ sung tính năng sử dụng xu để chơi game. Nguyên mẫu máy được đưa vào quán rượu Andy Capp's Tavern ở California, khởi đầu cho kỷ nguyên trò chơi điện tử, cũng là một dạng trò chơi trả phí đầu tiên trên thế giới. Chỉ vài ngày sau đó, Alcorn được chủ quán Bill Gaddis gọi đến sửa máy do quá nhiều người chơi. Khoang chứa xu cũng được thiết kế lớn hơn.

Bushnell và Alcorn phải tìm nhiều cách để duy trì sự thành công của Pong. "Đó chưa bao giờ là vấn đề tiếp thị, mà là nguồn cung. Chúng tôi có rất ít tiền, không có nhà máy nên việc sản xuất là thách thức lớn nhất", Alcorn nói.

Tháng 11/1972, Pong được Atari chính thức phát hành. "Ai cũng có thể chơi nó. Mọi người chỉ cần nhìn thấy là biết cách chơi", Alcorn nói. "Nhiều người đã nói với tôi rằng, đó là cách họ gặp gỡ đối tác của mình".

Ở những quán bar đã mua Pong, trò chơi nhanh chóng trở thành công cụ kiếm tiền. Guardian dẫn một thống kê cho thấy mỗi máy có thể kiếm 40 USD/ngày khi đó.

Năm 1974, phiên bản máy game dạng cắm và chơi (plug-and-play) kết nối với TV có tên Home Pong được phát hành. "TV không còn là thiết bị thụ động dùng để hiển thông tin cho người xem nữa, mà là một nền tảng tương tác", Alcorn cho biết.

Máy game Home Pong. Ảnh: Evan Amos

Máy game Home Pong. Ảnh: Evan Amos

Cuối thập niên 1970, với sự phát triển của công nghệ, Pong bị các game mới có lối chơi và đồ họa đẹp hơn vượt qua. Sang thập niên 1980, Pong lại vươn lên nhờ cải tiến và mô hình mới. Game được sử dụng trong hàng loạt chương trình về nghệ thuật thị giác, chủ nghĩa tối giản, hoài cổ... Năm 1999, nghệ sĩ Pierre Huyghe tạo Atari Light - một trần nhà tương tác cho phép khách tham quan chơi Pong với nhau.

"Pong đại diện cho sự khởi đầu của công nghệ kỹ thuật số. Nó rất cơ bản nhưng có tính thẩm mỹ, là thứ tối giản đến hoàn hảo", nghệ sĩ nổi tiếng người Mỹ Tom Friedman nhận định.

Pong cũng đã được sử dụng trong các nghiên cứu về tâm lý học và phim ảnh. Ở lĩnh vực game, gần đây Pong còn được hồi sinh với diện mạo mới. Năm 2020, nhà phát triển Checkered Ink đã biến trò chơi thành game nhập vai Pong Quest, trong đó người chơi có nhiều tùy chọn về nhân vật, đồ họa đẹp hơn, nhưng cách chơi không thay đổi nhiều so với cách đây 50 năm. Game được Atari phát hành trên nhiều nền tảng gồm Steam, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.

Trailer game Pong Quest. Video: Checkered Ink

Hiện nay, game được đơn giản hóa, được sử dụng để dạy trẻ em cách lập trình. "Học sinh luôn cảm thấy hài lòng khi có thể hoàn thành một việc gì đó đơn giản, hoàn chỉnh và vận hành như Pong", David J Malan, người đứng sau dự án lập trình miễn phí CS50 Computer Science của Harvard, nói.

Trong tương lai, những dự án như của Cortical Labs có thể nâng cấp DishBrain để thử nghiệm những trò chơi khác phức tạp hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Pong sẽ vẫn tiếp tục có người hâm mộ - những người sẵn sàng lập trình lại, phát minh lại và chơi lại game này.

(theo Guardian)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm