Thời sự

PMI liên tiếp dưới 50 điểm, sản xuất công nghiệp giảm sâu, động lực nào bù đắp cho xuất khẩu giảm sút?

Trong 4 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất duy trì tăng trưởng âm. Chỉ số PMI tháng 4/2023 đạt 46,7 điểm, giảm từ mức 47,7 điểm của tháng 3. Đây là tháng thứ hai liên tiếp, PMI dưới 50 điểm, phản ánh rõ hơn sự thu hẹp của lĩnh vực sản xuất sau sự suy giảm chung của nền kinh tế.

Hoạt động sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy yếu trong tháng 4, tổng số lượng đơn đặt hàng mới và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tiếp giảm tháng thứ 4 liên tiếp khiến cho hoạt động mua hàng của doanh nghiệp và việc làm cũng giảm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng buộc phải hạ giá bán ra để kích cầu.

 

Theo báo cáo từ công ty chứng khoán BSC, lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu giảm 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu giảm 15,4%.

Mặc dù cán cân thương mại xuất siêu 6,35 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm song nguyên nhân chính là do hoạt động nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện máy móc suy giảm. BSC đánh giá, chỉ số PMI vẫn cho thấy tín hiệu suy yếu của tình trạng xuất nhập khẩu. Áp lực từ chính sách tiền tệ thắt chặt toàn cầu đang gây ảnh hưởng khá lớn lên nhu cầu tiêu dùng toàn cầu.

 

Với tình trạng tăng trưởng các nền kinh tế suy yếu đặc biệt ở khối tiêu dùng, BSC đưa ra hai kịch bản dự báo xuất nhập khẩu 2023. Ở kịch bản tiêu cực, xuất khẩu có thể giảm 13,5% và nhập khẩu giảm 16,7%. Ở kịch bản tích cực, xuất khẩu có thể giảm 7,4% và nhập khẩu có thể giảm 9,3%.

Liên kết giữa tiêu dùng nội địa và xuất khẩu

Theo các chuyên gia, việc chỉ số PMI dưới 50 điểm thể hiện sự hạn chế trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là giữa thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Trong đó, cần thúc đẩy thị trường nội địa để bù đắp cho sự sụt giảm về xuất khẩu.

Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB từng cho biết tại một cuộc hội thảo, ngay cả khi nhu cầu thế giới giảm tốc những quốc gia như Ấn Độ, Philipines, khi nhu cầu trên thế giới giảm tốc họ vẫn có thể duy trì PMI trên 50 điểm nhờ sự liên kết giữa tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Nhưng với Việt Nam, sự thiếu liên kết giữa thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu được bộc lộ rất rõ khi mà tổng cầu tiêu dùng nội địa tăng lên nhưng PMI vẫn lao dốc. Sự mất cân đối trong cơ cấu nền kinh tế khi khu vực xuất khẩu phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp FDI là lý do khiến tổng cầu xuất khẩu giảm, PMI lập tức đi xuống.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam thì cho rằng, sự sụt giảm của PMI trong những tháng vừa qua có nguyên nhân phần lớn từ yếu tố ngoại cảnh. Còn ở trong nước, các chỉ số vĩ mô vẫn tốt và đảm bảo hỗ trợ cho sản xuất.

"PMI có khởi sắc hay không chủ yếu trông chờ vào sự phục hồi kinh tế trên toàn cầu. Ngoài ra, để cải thiện chỉ số này, Việt Nam cần chú trọng thị trường nội địa, đồng thời mở rộng các thị trường xuất khẩu mới, hay nói cách khác là đa dạng hoá thị trường cho sản xuất", ông Bình cho biết.

Thay thế cho động lực từ sản xuất công nghiệp

Phụ thuộc quá nhiều vào FDI, nhiều thủ phủ sản xuất công nghiệp trên cả nước giờ đã chứng kiến sự suy giảm trong tăng trưởng GRDP, điều đã được các chuyên gia dự báo từ trước.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, ba trong số các "thủ phủ" sản xuất công nghiệp lớn của cả nước gồm Quảng Nam, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu đều đang nằm trong nhóm có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm mạnh nhất cả nước. 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung. (Ảnh: VGP). 

Phát biểu tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra chiều 5/5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, sự suy giảm ở lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo - nguyên nhân chính dẫn đến các trung tâm sản xuất lớn, công nghiệp xây dựng bị ảnh hưởng.

Khoảng 7 địa phương có tốc độ tăng trưởng tương đối thấp, trong đó có ba địa phương là Thái Nguyên, Bắc Ninh và nhất là TP HCM tăng tương đối thấp chỉ 0,7% trong quý I.

Để vực dậy động lực tăng trưởng của TP HCM, địa phương chiếm tới 1/4 GDP của cả nước, Thủ tướng Chính phủ làm việc với thành phố này và chỉ ra nguyên nhân rất đặc thù. Trước đây thông thường mỗi năm TP HCM có khoảng 70-80 dự án để phê duyệt chủ trương và đầu tư xã hội nhưng trong hai năm trở lại đây, dự án mới để phê duyệt rất thấp. Điều này liên quan đến năng lực quản lý.

Trên những nguyên nhân chung cũng như nguyên nhân đặc thù của từng địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ nhiều giải pháp để vực lại động lực tăng trưởng, tìm kiếm thị trường, giữ vững phát triển của khối doanh nghiệp, ổn định lao động, không để mất việc. Song song với đó là chỉ đạo điều hành để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong các lĩnh vực lớn như tín dụng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp,… từ đó tìm kiếm các thị trường mới.

 

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cũng nêu ra 5 giải pháp nhằm vực dậy các trung tâm sản xuất công nghiệp trong đó có các giải pháp như: Nâng cao năng lực, chất lượng chỉ đạo điều hành của bộ máy chính quyền, đẩy mạnh đầu tư công và du lịch, dịch vụ.

Theo Thứ trưởng Trung, có một nỗ lực rất lớn là năm nay tỷ lệ số tương đối không bằng năm ngoái nhưng số tuyệt đối chúng ta đang tăng hơn 15.000 tỷ đồng so với giải ngân cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó là các chính sách tài khoá, giải pháp tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đảm bảo an toàn an sinh lao động xã hội,...

Có thể thấy, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy du lịch dịch vụ là những giải pháp quan trọng nhất được đưa ra trong bối cảnh này. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm