Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với doanh thu thuần đạt 3.704 tỷ đồng, giảm nhẹ 65 tỷ đồng, tương ứng giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó mức tăng chính đến từ hợp động xây dựng với 2.135 tỷ đồng, mảng cung cấp dịch vụ đóng góp 1.546 tỷ, còn lại là từ bán hàng.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp của PVS đạt 203 tỷ. Biên lãi gộp nhích nhẹ từ 5,1% cùng kỳ lên 5,5% quý này. Bên cạnh đó, PVS ghi nhận doanh thu tài chính tăng 71% lên 147 tỷ đồng chủ yếu nhờ lãi tiền gửi, tiền cho vay. Trong khi đó, chi phí lãi vay phải trả chỉ gần 20 tỷ.
Tại cuối quý I/2023, PVS sở hữu 10.195 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng và đi vay 1.393 tỷ đồng từ các ngân hàng và tổ chức tài chính.
Ngoài ra, trong quý I/2023, PVS còn ghi nhận 158 tỷ đồng lãi từ công ty liên doanh, liên kết. Song, do hụt thu từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định nên lợi nhuận sau thuế còn xấp xỉ 228 tỷ đồng, giảm gần 9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng đạt 215 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 3, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của PVS hơn 4.002 tỷ đồng.
Tính tới ngày 31/3/2023, tổng tài sản của PVS giảm nhẹ 0,7% so với đầu năm về 25.635 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu đến từ tiền và tiền gửi ngân hàng với tỷ trọng gần 40%. Ngoài ra, PVS còn ghi nhận giá trị đầu tư vào 7 công ty liên doanh liên kết là 4.816 tỷ đồng, chiếm 19% tổng tài sản.
Các khoản phải thu ngắn hạn tại cuối kỳ là 4.729 tỷ đồng, giảm gần 300 tỷ so với đầu năm, đa số là phải thu ngắn hạn của khách hàng là Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) với 1.579 tỷ.
Cuối tháng 3/2023, nợ phải trả của PVS là 12.494 tỷ, bằng 0,95 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, phải trả người bán ngắn hạn là 4.732 tỷ đồng và chi phí phải trả ngắn hạn là 1.168 tỷ đồng. Ngoài ra, PVS còn trích lập dự phòng bảo hành các công trình xây dựng hơn 1.345 tỷ đồng.