"CHỈ VÀI GIÂY, TÀU LẬT ÚP, TẤT CẢ BỊ NHẤN CHÌM"
Anh Vũ Anh Tú (25 tuổi, trú tại P.Hà An, Quảng Ninh) là thuyền viên duy nhất sống sót trong vụ lật tàu. Nhớ lại buổi chiều 19.7 định mệnh, anh vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh kể, khi bắt đầu hành trình ai nấy đều vui vẻ, mà nào ngờ chỉ sau ít phút, cơn giông khủng khiếp kéo đến đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người, trong đó có thuyền trưởng, cũng là chủ tàu đồng hành với anh nhiều năm qua.

Lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An đóng chân trên địa bàn tuyến biển hỗ trợ ngư dân chằng néo tàu thuyền tại nơi tránh trú bão an toàn
ẢNH: TTXVN

Cây ngã đè lên ô tô do bão Wipha tại Hồng Kông ngày 20.7
ẢNH: AP

Dự báo đường đi của bão số 3
ẢNH: NCHMF

Tàu Vịnh Xanh 58 được lai dắt về bờ để phục vụ công tác điều tra
ẢNH: LÃ NGHĨA HIẾU
Theo anh Tú, thuyền trưởng Đoàn Văn Trình là người cùng quê, có nhiều kinh nghiệm lái tàu trên vịnh Hạ Long. Nhưng cơn giông với cường độ lớn ập đến bất ngờ đã khiến mọi người không ai kịp trở tay.
"Tàu đi được khoảng nửa hành trình thì giông lốc bất ngờ nổi lên. Trong vòng chỉ vài giây, sóng lớn đánh mạnh khiến tàu lật úp. Mọi người bị nhấn chìm, không kịp trở tay", anh Tú nghẹn giọng.
Bị va đập mạnh vào các vật cứng, cánh tay rách toạc, nhưng giữa làn nước lạnh buốt, anh vẫn cố giữ bình tĩnh. Anh mò mẫm theo luồng sáng le lói từ mặt biển hắt xuống, cố ngoi lên mặt nước. May mắn, anh bám được vào một chiếc ghế gỗ nổi trên biển và cầm cự đến khi được cứu. "Tôi không hiểu vì sao mình thoát được. Có lẽ tôi là người quá may mắn… Nhưng những gì đã chứng kiến, tôi sẽ không bao giờ quên", anh Tú rưng rưng nước mắt.
CHUYỆN CỦA NGƯỜI TRỞ VỀ TỪ "CÕI CHẾT"
Cũng trong phút giây sinh tử, anh Đinh Đức Hiệp (35 tuổi, trú tại Quảng Ninh), đã cứu sống mẹ và nhiều hành khách trên cùng chuyến tàu.
Toàn cảnh vụ lật tàu ở Quảng Ninh: Hành trình giông bão của tàu Vịnh Xanh 58
Gia đình anh Hiệp có 8 người cùng đi trên con tàu định mệnh. Khi tàu bị sóng đánh lật, anh đang ở trong khoang. Nước tràn vào, bóng tối phủ kín, mẹ anh thì thều thào: "Con tìm cách thoát đi, mẹ sắp không thở được nữa rồi". Nhưng anh không đi. Anh dìu mẹ, hướng dẫn bà giữ hơi thở, rồi lặn xuống, kéo thêm một hành khách nữ ra ngoài. Anh Hiệp nhiều lần ngoi lên mặt nước, gào lớn trong giông gió: "Ai còn thở thì theo hướng này ra! Chân đạp về bên phải sẽ gặp cửa, em đứng ngoài kéo lên!". Tiếng kêu ấy như niềm hy vọng giữa tan hoang, hỗn loạn.

Thuyền viên tàu Vịnh Xanh 58 thẫn thờ sau vụ tai nạn kinh hoàng
ẢNH: LÃ NGHĨA HIẾU
Anh Hiệp cứu thêm được một người đàn ông và hai phụ nữ. Một nạn nhân nam bị thương nặng không qua khỏi nên anh phải buộc thi thể lại để tránh trôi dạt. Rồi anh lặn tiếp, lần này để tìm bạn gái mình. "Khoảng 10 - 15 phút sau, tôi mới chạm được chân cô ấy. Tôi kéo lên, hô hấp nhân tạo, nhưng không kịp. Cô ấy uống nhiều nước, có cả xăng. Cô ấy đã ngạt thở…", anh nói, nước mắt lăn dài trên má.
Một trong những người được anh Hiệp cứu là chị T.T.H - người phụ nữ đã mất chồng và con trong vụ tai nạn. Ôm anh Hiệp, chị H. khóc nức nở trong phòng bệnh: "Nếu không có em ấy, tôi đã không về được với cha mẹ. Nhưng… chồng và con tôi không còn nữa. Tôi đau lắm".
Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Bùi Mạnh Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, cho biết: "Hiện 8 nạn nhân đang điều trị trong điều kiện tốt nhất. Sức khỏe và tâm lý của họ đang dần ổn định".
Bi kịch trên vịnh Hạ Long là một cú sốc lớn đối với du lịch VN. Nhưng hơn hết, đó là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về tính mạng con người và sự an toàn trong du lịch đường thủy, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thời tiết ngày càng khó lường.
Lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường sau 10 - 15 phút nhận tin
Chiều 20.7, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức thông tin chính thức về vụ việc. Theo báo cáo, tàu Vịnh Xanh 58 mang số hiệu QN-7105 rời Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long lúc 13 giờ ngày 19.7 để đưa du khách tham quan tuyến số 2 trên vịnh. Sau khoảng 30 phút, tàu bất ngờ gặp giông lốc. Đến 14 giờ 5 phút, tín hiệu GPS của tàu mất kết nối.
Tính đến 14 giờ ngày 20.7, sau hơn một ngày huy động tối đa lực lượng, các cơ quan chức năng đã tìm thấy 45/49 người trên tàu, trong đó có 10 người sống sót, 35 người tử vong và 4 người mất tích. Khoảng 1.000 cán bộ, chiến sĩ cùng hàng trăm phương tiện đã được huy động để tìm kiếm.
Thượng tá Cù Quốc Thắng, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh, cho biết tàu do ông Đoàn Văn Trình (trú P.Hà An, Quảng Ninh) là chủ kiêm thuyền trưởng; phương tiện có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do Trạm Đăng kiểm thuộc Sở GTVT Quảng Ninh cấp ngày 10.1.2025, còn hiệu lực đến 4.2.2026.
Trả lời về công tác dự báo thời tiết, ông Bùi Hồng Minh, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh, cho hay cảng vụ địa phương có hợp đồng với Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn để nhận 3 bản tin mỗi ngày. Sáng và trưa 19.7, các bản tin không cảnh báo hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Tuy nhiên, đến 13 giờ 30, trung tâm gửi bản tin bổ sung cảnh báo có giông lốc, khi tàu đã rời cảng.
Ông Minh cũng cho biết theo quy định, du khách không bắt buộc mặc áo phao khi tàu đang di chuyển bình thường. Nhiều nạn nhân được phát hiện mặc áo phao, cho thấy có thể thuyền trưởng đã kịp cảnh báo trước khi tàu bị lật.
Trong khi đó, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh, đại tá Hoàng Văn Thuyết, khẳng định chỉ sau 10 - 15 phút nhận được thông tin vụ việc lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường ứng cứu. Nêu lý do không sử dụng trực thăng cứu nạn, đại tá Thuyết phân tích: "Từ bờ ra đến vị trí tàu bị nạn chỉ mất 15 - 20 phút đi tàu cao tốc. Nếu dùng trực thăng thì vừa mất thời gian xin phép, vừa không đảm bảo an toàn do mưa bão".