Tài chính

Phương tiện giao thông kỳ lạ giữa đường phố Thượng Hải: “Con lai” của xe buýt và tàu điện ngầm, ngay cả người Trung Quốc cũng ít có cơ hội trải nghiệm

Phương tiện giao thông kỳ lạ giữa đường phố Thượng Hải: “Con lai” của xe buýt và tàu điện ngầm, ngay cả người Trung Quốc cũng ít có cơ hội trải nghiệm- Ảnh 1.

Phương tiện lạ

Không giống như tàu điện ngầm, đây là loại tàu có đường ray riêng, đi trên đường nhưng hai bên không có rào chắn giống tàu hỏa. Tại Thượng Hải, những du học sinh chúng tôi thường gọi đây là “tàu vàng” vì màu sắc bên ngoài của nó, cũng để tiện phân biệt với tàu điện ngầm. Trên báo chí Trung Quốc, phương tiện này còn có biệt danh là “chú tằm vàng”.

Để mô tả một cách ngắn gọn, tàu vàng giống như phiên bản kết hợp của xe buýt và tàu điện ngầm. Nó giống xe buýt ở chỗ có các trạm chờ ở giữa đường, rẽ ở ngay giữa phố và tới các ngã tư cũng… chờ đèn đỏ, đèn xanh. Thời gian chờ tàu trung bình 10-15 phút một chuyến, tùy bến. Tàu vàng giống tàu điện ngầm ở ngoại hình bên ngoài và nội thất bên trong. Cách bài trí ghế ngồi, tay cầm, tay nắm, hệ thống thông báo, màn hình quảng cáo có nhiều nét tương đồng với tàu điện ngầm.

Phương tiện giao thông kỳ lạ giữa đường phố Thượng Hải: “Con lai” của xe buýt và tàu điện ngầm, ngay cả người Trung Quốc cũng ít có cơ hội trải nghiệm- Ảnh 2.

Tôi đã có nhiều lần đi tàu vàng bởi có một trạm ở ngay trước cửa trường học của tôi. Để lên tàu, trước hết tôi cần quét mã QR ứng dụng hoặc mua vé ở máy bán vé tự động ở ngoài. Một điểm khá bất tiện của trạm chờ là không có nhân viên ngồi trực, vì thế nếu có vấn đề trong việc quét mã thì người dùng sẽ loay hoay không biết xử lí thế nào. Ngoài ra, từ cổng quét mã tới ghế chờ… không hề có rào chắn, tức là có thể bước vào tàu mà không cần mua vé. Tuy nhiên, có thể thấy không ai làm vậy vì có rất nhiều camera giám sát ở quanh trạm.

Phương tiện giao thông kỳ lạ giữa đường phố Thượng Hải: “Con lai” của xe buýt và tàu điện ngầm, ngay cả người Trung Quốc cũng ít có cơ hội trải nghiệm- Ảnh 3.

Cổng quét mã QR để lên tàu

Các trạm tàu vàng bán vé bằng tiền mặt (đồng xu 1 nhân dân tệ, tiền giấy 5 nhân dân tệ, tiền giấy 10 nhân dân tệ) và bằng Thẻ giao thông Thượng Hải (thẻ vật lý và mã QR trên di động). Giá vé cho 10km đầu tiên là 2 tệ (tương đương 7 nghìn đồng), với mỗi 10km vượt tiếp theo tính thêm 1 tệ. Trẻ em cao dưới 1,3m được đi miễn phí (phải có người lớn đi kèm).

Theo quan sát của tôi, tàu vàng thường có ít khách hơn các loại phương tiện khác. Hầu như không bao giờ có tình trạng chen nhau để đi tàu và luôn có ghế ngồi. Tàu đi êm, không ồn, không rung lắc. Các thông tin cho biết, tốc độ di chuyển trung bình trên đường của tàu chỉ là 20km/h, chậm hơn xe buýt khá nhiều. Tuy nhiên, thông số kĩ thuật cho thấy tàu có thể đạt tốc độ 70km/h. Tàu vàng đi qua tổng cộng 19 đoạn và 20 ga, với tổng chiều dài 13,9 km. Mỗi ngày, tàu chạy từ 6h sáng tới 22h tối.

Được biết, hệ thống tàu vàng này đã được bắt đầu xây dựng từ năm 2015, chạy thử vào tháng 12/2018 và chính thức hoạt động vào tháng 12/2019.

Đây là một hệ thống bổ sung để hoàn thành “hệ thống tích hợp bốn mạng lưới giao thông” tại khu vực tôi sinh sống. Bốn mạng lưới bao gồm tàu cao tốc, tàu điện, tàu vàng và xe buýt để tạo thành một hệ thống giao thông toàn diện mang tính khu vực, thuận tiện và có phạm vi phủ sóng rộng.

Tàu vàng không chỉ là phương tiện ít thấy đối với tôi, mà còn đối với cả chính người Trung Quốc. Phương tiện này không xuất hiện trong các khu trung tâm đông đúc và cũng không phổ biến tại các thành phố khác mà tôi đi qua. Dù vậy, nó đã góp phần không nhỏ giúp việc di chuyển của người dân trở nên thuận lợi hơn, giảm bớt ách tắc trên đường và là một nét độc đáo trong hệ thống giao thông Trung Quốc.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm