Dù tân sinh viên đã hoàn thành thủ tục nhập trường, bắt đầu cho những buổi học đầu tiên của kỳ học mới nhưng thời điểm này, sức hút của phòng trọ/nhà trọ vẫn chưa hạ nhiệt. Nhiều tân sinh viên lựa chọn tạm trú ngắn hạn với những mối quan hệ quen biết để "né" tháng cao điểm về phòng trọ, nhà trọ.
Em Vũ Thị Minh Nguyệt (SN 2005, ở Kinh Môn, Hải Dương) vừa hoàn thành thủ tục nhập học, khai giảng năm học mới tại trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Do đã có khoảng thời gian gần 1 tháng tìm kiếm phòng trọ và không lựa chọn được nơi ở hợp ý, Nguyệt đã quyết định cậy nhờ những mối quan hệ quen biết để tạm trú thời gian ngắn.
Theo Vũ Thị Minh Nguyệt, với mức giá khoảng 2,5 triệu đồng/phòng trọ, có thể nơi ở này chưa thực sự tốt, nhiều điểm trừ và không tiện lợi, có thể nằm sâu trong ngõ ngách, diện tích chật chội. Ảnh: NVCC
Nguyệt cho biết: "Vì chưa quen bạn bè, lại chẳng có người thân ở Hà Nội, tôi tìm phòng trọ khoảng 15 – 20m2 với mức giá từ 2,5 triệu đổ lại nhưng tìm trên hội nhóm về thuê nhà ở Hà Nội là rất khó. Mức giá thuê này ở Hà Nội thời điểm tháng 8, 9 là rất "hot" nên nếu có, tôi cũng không kịp đến xem và tôi cũng không đủ tin tưởng để đặt cọc".
Theo Nguyệt, với mức giá khoảng 2,5 triệu đồng/phòng trọ, có thể nơi ở này chưa thực sự tốt, tiện lợi, nằm sâu trong ngõ ngách, diện tích chật chội; thậm chí là không có ban công, không có cửa sổ để đón ánh sáng tự nhiên và vệ sinh chung với nhiều phòng khác.
"Bố mẹ em là công chức nhưng lương công chức của bố mẹ cũng không đủ để "cõng" cuộc sống sinh hoạt của Nguyệt tại Hà Nội. Bởi nếu ở một mình, với phòng trọ trung bình từ 3-4 triệu đồng, chưa kể chi phí sinh hoạt, điện, nước, wifi theo giá dịch vụ, mỗi tháng, em có thể tiêu tốn hơn 1 tháng lương của bố hoặc mẹ", Nguyệt cho hay.
Bởi vậy, Nguyệt quyết định ở ngắn hạn với người quen ở gần trường để chờ qua giai đoạn cao điểm về phòng trọ/nhà trọ. Khoảng thời gian này, Nguyệt cũng có thời gian làm quen bạn bè để tiến tới cùng tìm kiếm nơi ở trọ hợp lý, hợp ý và hợp túi tiền.
Theo anh Nguyễn Thành Lâm, với một phòng trọ có giá hợp lý, khoảng 2,5 triệu đổ lại thì diện tích phòng quá nhỏ hẹp, chỉ khoảng 15m2. Diện tích này không phù hợp cho cuộc sống sinh hoạt. Ảnh: NVCC
Anh Nguyễn Lâm Thành (49 tuổi, ở Thanh Hóa) cũng đang chật vật tìm phòng trọ cho con trai nhập học ở Thủ đô.
Anh Thành cho biết: "Khi tìm được một phòng trọ có giá hợp lý, khoảng 2,5 triệu đổ lại thì diện tích phòng quá nhỏ hẹp, chỉ khoảng 15m2. Phòng nhỏ nhưng nếu có thêm bếp, tủ và điều hòa với vài món đồ trang trí thì phòng trọ bỗng nhiên được chủ nhà gọi là "chung cư mini full đồ" và giá lên đến 4 – 5 triệu đồng/tháng; chưa kể tiền điện, nước, rác, wifi theo giá dịch vụ".
Với kinh nghiệm tìm phòng trọ cho con trai, anh Thành hài hước kể: "Có những phòng trọ có diện tích bé hơn nhà vệ sinh nhà tôi, gia chủ thêm bộ bàn ghế với cái vách ngăn vào, rồi đăng thành 1 ngủ 1 khách, giá 5 triệu. Khi đến xem, họ bảo ở được thì ở, không thì 'next' cho người khác vào xem, chỗ này tôi mất phí xem phòng".
"Tôi hỏi thuê căn 2 ngủ 1 khách, đến nơi ngã ngửa ra là 2 giường trong cùng 1 phòng. Họ dựng tấm nhựa ngăn ở giữa và nghiễm nhiên rao "2 phòng ngủ". Giữa cái tấm nhựa còn khoét 1 lỗ to để đặt điều hòa ở giữa, cho mỗi giường đều được hưởng gió điều hòa", anh Thành cho hay.
Đặt mình vào cương vị là tân sinh viên, anh Thành bức xúc: "Các con nhập học năm nhất, ở quê lên thành phố, sẽ chẳng biết đường đi lối lại, sự ứng xử giữa con người với con người mà khi xem phòng trọ, cũng bắt các con phải trả phí, rồi tìm mọi cách, nghĩ ra đủ thể loại luật lệ để thu tiền của các con. Đủ các chiêu trò như phí dịch vụ, phụ phí… lên đến 100.000 đồng/mục. Chưa kể nhiều nhà còn để giá điện nước cao gần gấp đôi, thậm chí là gấp 10 lần so với giá quy định của nhà nước. 2 bạn sinh viên ở với nhau, khi vào mùa hè, tiền điện có thể lên đến 1-1,5 triệu, cộng thêm tiền nhà, tiền ăn…, thử hỏi bố mẹ ở quê gánh bao nhiêu cho đủ?".
Bởi vậy, anh Thành khẳng định, nuôi con ăn học ở Thủ đô, không hề đơn giản!
Anh Thành cho rằng, người thuê cần tẩy chay mạnh mẽ những phòng trọ/nhà trọ có hiện tượng "ngáo giá". Bởi khi người thuê càng quan tâm, thì gia chủ càng tự tin về mức giá trên trời mà họ tự đưa ra.