BHXH Việt Nam cho biết sau khi được Nhà nước hỗ trợ, mức đóng thấp nhất của người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay là 231.000 đồng/tháng với người thuộc hộ nghèo; 247.000 đồng/tháng với người thuộc hộ cận nghèo và 297.000 đồng/tháng với đối tượng khác.
Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của người tham gia nhưng tối đa không quá 10 năm (120 tháng).
Người dân thực hiện giao dịch tại BHXH TP Hội An, Quảng Nam
Theo BHXH Việt Nam, khi tham gia BHXH tự nguyện, người dân sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỉ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Đáng chú ý khi tham gia BHXH tự nguyện, người lao động sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng theo quy định và được lựa chọn phương thức đóng linh hoạt, phù hợp với thu nhập của bản thân như: Đóng định kỳ (hằng tháng; 3 tháng một lần; 6 tháng một lần; 12 tháng một lần; nhiều năm một lần (không quá 5 năm/lần); hoặc đóng 1 lần cho những năm còn thiếu (không quá 10 năm) để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương cho người tham gia BHXH tự nguyện ngoài mức quy định của Nhà nước. Do đó, số tiền thực đóng của người dân khi tham gia BHXH tự nguyện tại các địa phương này tiếp tục thấp hơn.
Hiện thủ tục đăng ký đóng, nộp BHXH tự nguyện khá thuận tiện, nhanh chóng. Cụ thể, người tham gia nộp hồ sơ và đóng tiền BHXH tự nguyện theo quy định tại tổ chức dịch vụ được ủy quyền thu BHXH, BHYT hoặc cơ quan BHXH nơi cư trú hoặc tạm trú. Sau khi nộp tiền đóng BHXH tự nguyện cho nhân viên thu của tổ chức dịch vụ thu, người dân có thể thực hiện tra cứu, kiểm soát thông tin đóng BHXH tự nguyện của mình.
Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 8-2023, cả nước có khoảng 17,5 triệu người tham gia BHXH, trong đó khoảng gần 1,5 triệu người tham gia BHXH tự nguyện.