Tam công bất hoán đồ
“Tam công bất hoán đồ” là một bức tranh của danh họa thời Joseon Kim Hong-do, được vẽ dựa trên tác phẩm “Lạc chí luận” của Trọng Trường Thống - một học giả Nho giáo cuối thời Đông Hán ở Trung Quốc. “Lạc chí luận” tôn vinh việc con người tận hưởng một cuộc sống nhàn nhã và thoải mái giữa thiên nhiên.
Họa sĩ Kim Hong-do đã diễn giải lại những gì được miêu tả trong “Lạc chí luận” vào cuộc sống thường ngày của người dân Joseon và vẽ nên “Tam công bất hoán đồ” vào năm 1801.
“Tam công bất hoán” có nghĩa là sẽ không từ bỏ niềm vui chốn điền viên để có được địa vị của Tam công - ba chức quan cao cấp nhất trong một triều đình phong kiến. Cụm từ này được mượn từ bài thơ “Điếu đài” của nhà thơ Đới Phục Cổ thời Tống.
Bức tranh “Tam công bất hoán đồ” của danh họa Kim Hong-do. Ảnh: Namuwiki
Bức họa được vẽ dưới dạng bình phong 8 tấm với kích thước 133cm×418cm, hiện đang được lưu trữ tại Bảo tàng Nghệ thuật Leeum Samsung. Năm 2018, “Tam công bất hoán đồ” được công nhận là bảo vật số 2000 của Hàn Quốc.
Nổi bật trong bức tranh là ngôi nhà lớn nhiều gian lợp mái ngói nằm dưới chân núi, bên cạnh một dòng sông. Trong nhà, người chủ đang tiếp đón các vị khách của ông dưới mái hiên, còn có một cô hầu gái chạy việc vặt ngang qua mảnh sân nhỏ.
Ngoài đồng, những người nông dân đều đang cần mẫn lao động. Cách không xa nơi đó, người câu cá cũng say mê làm công việc của mình. Tất cả tạo nên một khung cảnh đời sống thôn quê hết sức yên bình và dễ chịu.
“Tam công bất hoán đồ” được xem là tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ Kim Hong-do khi nó kết hợp hài hòa hai thể loại tranh chủ đạo của danh họa này, đó là tranh sơn thủy vẽ núi sông hùng vĩ và tranh phong tục khắc họa lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày.
Cận cảnh bên trong ngôi nhà. Ảnh: Namuwiki
Nhìn qua thì chỉ có thế, nhưng khi phóng to bức tranh lên 10 lần, dân mạng phát hiện ra một chi tiết khiến họ không khỏi bối rối. Đó là trong khoảnh sân của ngôi nhà, bên cạnh những vật nuôi quen thuộc như chó hay gà, còn có một loài động vật mà xét từ quan điểm ngày nay, nó không hề thích hợp để làm “thú cưng”.
Loài chim thanh cao
Loài vật được nói đến ở đây chính là sếu đỉnh đầu đỏ, hay còn gọi là sếu Nhật Bản. Tại xứ sở kim chi, người ta thường gọi nó là “hạc”. Sếu đỉnh đầu đỏ từ xa xưa đã được người Hàn Quốc xem như điềm lành, tượng trưng cho sự thanh cao, trường thọ, tình cảm vợ chồng và sự bình yên của một học sĩ.
Ngày nay, loài chim này được xác định là loài có nguy cơ tuyệt chủng cấp 1 tại Hàn Quốc. Quý hiếm là thế nên dân mạng không dám tin vào mắt mình khi thấy sếu đỉnh đầu đỏ lại được nuôi nhốt trong nhà cùng với chó và gà.
Chi tiết này rốt cuộc có thật hay chỉ dựa trên trí tưởng tượng của họa sĩ? Chuyên gia của Viện Tài nguyên Sinh vật Quốc gia Hàn Quốc đã có những lý giải cặn kẽ.
Hai chú sếu đi lại tự nhiên trong sân, không một chút hoảng sợ. Ảnh: Namuwiki
Thông qua việc cặp sếu trong bức tranh “Tam công bất hoán đồ” không hề ngạc nhiên hay hoảng sợ khi có người đi ngang qua, các chuyên gia khẳng định loài chim này từng được các học sĩ thời Joseon nuôi như “thú cưng”.
Sở dĩ các học sĩ nuôi sếu đỉnh đầu đỏ trong nhà là vì chúng đại diện cho sự cao quý của họ. Tuy nhiên, chuyên gia cho biết thú nuôi sếu lúc bấy giờ không hề phổ biến. Vị thịt sếu đỉnh đầu đỏ rất ngon, chỉ có vua mới có thể dùng. Chính vì vậy, để nuôi được loài vật này thì chủ nhân chắc chắn phải là người có thân phận cực kỳ cao quý.
Chuyên gia tiết lộ thêm, để giữ được loài chim hoang dã này ở trong nhà, người nuôi đã phải cắt tỉa lông để chúng không còn có thể bay nữa. Phần lông bị cắt đi cần đến vài năm mới có thể mọc lại như cũ.
Một số cư dân mạng đã để lại bình luận:
“Loài sếu cực kỳ quý hiếm này là thú cưng vào thời Joseon á?”
“Tôi cũng muốn được nhìn thấy sếu đỉnh đầu đỏ đi lại trong nhà mình.”
"Cắt lông để chúng không bay được không phải hành động mà một học sĩ nên làm.”
Hiện nay, sếu đỉnh đầu đỏ là loài sếu hiếm thứ hai trên thế giới, chỉ sau sếu Mỹ. Cộng đồng quốc tế đã và đang có nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn sự tuyệt chủng của loài sếu này. Đặc biệt, chúng được bảo vệ một cách hợp pháp khỏi việc bị săn bắn ở mọi quốc gia mà chúng được tìm thấy.