Theo hãng tin Bloomberg, tập đoàn kinh doanh dầu hàng đầu thế giới là Vitol Group sẽ ngừng giao dịch các sản phẩm dầu từ Nga từ cuối năm nay. Ngoài ra, hãng cũng sẽ ngừng tham gia bất kỳ giao dịch dầu mỏ mới nào liên quan đến Nga.
Cụ thể, người phát ngôn của Vitol gửi thư điện tử trả lời Bloomberg cho biết họ sẽ giảm đáng kể giao dịch dầu Nga trong quý II/2022 khi các nghĩ vụ hợp đồng thời hạn được hoàn thành gần hết. Tập đoàn cũng sẽ ngừng kinh doanh dầu thô từ Nga trừ khi có các hướng dẫn khác và điều này sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2022.
Trên thực tế, Vitol đã gặp khá nhiều áp lực kể từ khi xung đột Ukraine diễn ra do nhiều hợp đồng thời hạn được ký kết trong bối cảnh hàng chưa giao (Hợp đồng kỳ hạn dầu mỏ hay hợp đồng tương lai được giao dịch trước khi giao hàng do vướng thời gian khai thác và vận chuyển).
Tuyên bố của Vitol được đưa ra sau khi một trợ lý của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã viết thư đến ban giám đốc công ty cùng nhiều hãng kinh doanh dầu mỏ khác.
Ngay sau khi xung đột Ukraine bùng phát, nhiều quốc gia đã tuyên bố ngừng nhập khẩu dầu Nga như Mỹ, Anh, Canada hay Australia. Hàng loạt các tập đoàn lớn như Shell, Total Energies hay Neste đã hưởng hứng lời kêu gọi khi ngừng kinh doanh dầu Nga. Ngoài ra một loạt ngân hàng, hãng vận tải hay công ty bảo hiểm cũng nối gót nhằm tránh chịu ảnh hưởng từ lệnh cấm vận của Phương Tây.
Sự tẩy chay này đã khiến giá dầu Nga lao dốc, hiện thấp hơn giá dầu Brent quốc tế tới 34 USD/thùng.
Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) từng ước tính sản lượng dầu của Nga sẽ giảm 1,5 triệu thùng/ngày vào tháng 4/2022. Con số này sẽ là 3 triệu thùng/ngày vào tháng 5/2022 do nhiều người mua quay lưng.
Dẫu vậy, giá dầu Nga rẻ đang khiến nhiều hãng kinh doanh tại Ấn Độ và Nga mua vào.
"Trong khi nhiều người mua từ Châu Á tăng cường mua dầu Nga vì đang được giảm giá thì những người mua cũ khác lại giảm", phía IEA tuyên bố.
Năm 2021, doanh thu của Vitol đã tăng gầm 100% lên 279 tỷ USD do nhu cầu dầu mỏ bật tăng trên toàn cầu khi các nền kinh tế mở cửa trở lại. Bình quân mỗi ngày, Vitol giao dịch khoảng 7,6 triệu thùng dầu thô năm 2021. Con số này cao hơn nhiều so với 4,7 triệu thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày của Nga năm 2021.
Theo hãng tin CNN, nhiều khả năng Liên minh Châu Âu (EU) sẽ cấm dầu Nga. Tuần trước, Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã tuyên bố đang cân nhắc cấm dầu Nga trong lệnh trừng phạt tiếp theo.
Việc dầu Nga bị từ chối có thể khiến giá dầu quốc tế tăng tiếp vì người mua phải tìm nguồn cung thay thế. Số liệu của IEA cho thấy Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới sau Ả Rập Xê Út, chiếm khoảng 14% nguồn cung dầu toàn cầu năm 2021.
Giá dầu Brent quốc tế đã từng vượt ngưỡng 139 USD/thùng vào đầu tháng 3, mức cao nhất 14 năm, nhưng sau đó lại giảm xuống còn chỉ 107 USD/thùng.
*Nguồn: CNN, Bloomberg