Thị trường trong giai đoạn đáy sau thấp hơn đáy trước
Phiên giao dịch ngày 19/4, VN-Index tiếp tục giảm hơn 26 điểm xuống còn 1.406,25 điểm. Đây là mức đóng cửa thấp nhất của chỉ số kể từ đầu tháng 11/2021. Kể từ khi bắt đầu đợt giảm ngày 7/4, VN-Index có duy nhất phiên hồi phục 13/4.
Quan sát cho thấy đây là đợt giảm điểm dài nhất của thị trường kể từ tháng 8 năm ngoái. Từ mức đỉnh hơn 1.500 điểm, chỉ số mất 100 điểm sau ít ngày. Đợt giảm sâu lấy đi 20 tỷ USD vốn hóa sàn HOSE.
Góc độ phân tích kỹ thuật, VN-Index có kịch bản xấu hơn so với dự báo trước đó mà các công ty chứng khoán đưa ra khi cắt xuống đường trung bình động (MA200).
Sự suy yếu của dòng tiền khiến thị trường hồi phục nhẹ đầu phiên sáng sau đó đảo chiều bán mạnh hơn về cuối phiên. Nhiều cổ phiếu trong trạng thái đáy sau thấp hơn đáy trước. Những nhà đầu tư tham gia bắt đáy có thể chịu mức lỗ 10 – 15%, thậm chí là hơn 20% với các mã niêm yết trên HNX ngay khi cổ phiếu T+2 về đến tài khoản.
Đi ngược xu hướng chung, một số cổ phiếu tăng giá thu hút sự chú ý như nhóm thủy sản, dệt may, hóa chất. Nhưng đà tăng lại không bền vững, mỗi khi xuất hiện mã trong ngành bị giảm sâu, cổ phiếu toàn ngành đối mặt áp lực chốt lời mạnh ngay sau đó.
Đơn cử với nhóm bất động sản khu công nghiệp, sau ít phiên giao dịch khởi sắc bất ngờ đồng loạt giảm sàn phiên hôm nay như TIP, LHG, ITA, VGC. Không ít mã trong nhóm cũng bị ảnh hướng và giảm giá trên 4% như KBC, DPR, D2D, GVR. Dù trong phiên sáng nay, tất cả mã này đều giao dịch trong sắc xanh.
Nhìn tổng quan, hai nhóm cổ phiếu giao dịch kém sắc và ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index trong đợt này là ngân hàng và bất động sản. Giống như nhiều phiên trước, “cổ đất” lại giảm sàn la liệt trong phiên 19/4 như HQC, ITA, FLC, ASM, CII, FIT và TCH.
Nhiều mã ngân hàng giảm sâu với tỷ lệ mất giá trên 4% như LPB, SHB, SGB, VAB, STB… Đa phần cổ phiếu ngân hàng đã “thủng” nền giá tích lũy trong nhiều tháng trước đó, thậm chí nhiều mã xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.
Dòng tiền bắt đáy có tín hiệu “chùn tay”
Đà giảm sâu của các cổ phiếu hình thành tâm lý “bắt đáy” trên thị trường. Quyết định mua vào trong tình huống này có thể đến từ hai nhóm nhà đầu tư.
Thứ nhất, những nhà đầu tư bán ra trước đó và đang có tỷ trọng tiền mặt cao sẽ mua vào để tìm kiếm lợi nhuận trong trường hợp giá cổ phiếu hồi phục. Trường hợp thứ hai là những nhà đầu tư mua vào để trung bình giá vốn với những mã đang nắm giữ trong danh mục.
Theo dõi hành vi giao dịch của từng nhóm nhà đầu tư, với khối ngoại, những phiên mua vào và bán ra đan xen. Nhưng về tổng quan, khối này đã bán ròng hơn 310 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh kể từ đầu tháng 4. Các tổ chức trong nước có động thái tương tự.
Dòng tiền lớn chiếm trên 85% thanh khoản của thị trường đến từ nhà đầu tư cá nhân. Trong tuần giao dịch 12 – 15/4, khối này bán ròng khoảng 852 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong khi mua ròng tuần tước đó (4 - 8/4). Trong phiên đầu tuần này, khối này bán ra trên 600 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Động thái giao dịch trái chiều giữa các những nhóm nhà đầu tư tổ chức cộng với tâm lý “chùn tay” của NĐT cá nhân khiến thanh khoản thị trường có tín hiệu thu hẹp. Giá trị khớp lệnh phiên 19/4 đạt 22.656 tỷ đồng, thấp hơn so với ngưỡng trên 26.000 tỷ đồng phiên trước đó, và trung bình 1 tháng (hơn 25.000 tỷ đồng).
Bình luận thanh khoản thị trường, khối phân tích của Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho rằng ngay với giá trị giao dịch trên 26.000 tỷ đồng cho thấy dòng tiền bắt đáy không đổ vào thị trường một cách mạnh mẽ mà khá rón rén. Dường như vùng giá thấp hiện tại vẫn chưa đủ kích thích dòng tiền.
Theo một góc nhìn tích cực hơn, sự suy giảm về thanh khoản trong những phiên giảm sâu của thị trường có thể là việc giảm nguồn cung cổ phiếu ở vùng giá thấp.
Phân tích xu hướng của thị trường trong chương trình Khớp lệnh, bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc tự doanh Chứng khoán DNSE cho rằng VN-Index phá vỡ vùng lình xình (sideway) và tiếp tục đi xuống là kịch bản không mong muốn. Trước đó, ngưỡng MA (200) được xem là hỗ trợ cứng của thị trường. Để phòng ngừa rủi ro với kịch bản tiêu cực trên, nhà đầu tư có thể nắm giữ tỷ trọng tiền mặt khoảng 15 – 20% để chọn lọc các cổ phiếu tốt.