Chiều 18/2, Quốc hội đã tiến hành quy trình phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các phó thủ tướng, bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Cùng với nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức và cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (sửa đổi).
Cụ thể, hai phó thủ tướng được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm là ông Nguyễn Chí Dũng và ông Mai Văn Chính . Trước đó, ông Nguyễn Chí Dũng giữ chức Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, còn ông Mai Văn Chính là Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
Tân Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng sinh ngày 5/8/1960, quê Hà Tĩnh, là Tiến sĩ Quản lý kinh tế. Ông Dũng là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII, đại biểu Quốc hội khóa XV.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu bầu, phê chuẩn nhân sự, chiều 18/2. Ảnh: Như Ý
Quá trình công tác, ông Dũng kinh qua nhiều chức vụ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Dũng từng giữ chức Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Vụ trưởng Vụ Thương mại và Dịch vụ.
Sau thời gian giữ chức Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Dũng về địa phương là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận.
Đầu năm 2014, ông Dũng lại về giữ chức Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư. Từ tháng 4/2016, ông Nguyễn Chí Dũng giữ chức Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho đến khi được phê chuẩn bổ nhiệm Phó thủ tướng.
Tân Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính sinh ngày 1/1/1961; quê quán tỉnh Long An; là Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Kỹ sư Kinh tế nông nghiệp. Ông Chính là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa X, Ủy viên Trung ương Đảng chính thức khóa XI, XII, XIII.
Quá trình công tác, ông Mai Văn Chính từng kinh qua các chức vụ: Phó Bí thư, Bí thư Tỉnh ủy Long An; Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương…
Từ tháng 8/2024, Bộ Chính trị điều động, phân công, bổ nhiệm ông Mai Văn Chính giữ chức Trưởng ban Dân vận Trung ương. Ông Mai Văn Chính được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, tháng 2/2025.
Như vậy, sau khi phê chuẩn bổ nhiệm 2 phó thủ tướng , lãnh đạo Chính phủ hiện nay gồm Thủ tướng Phạm Minh Chính và 7 Phó Thủ tướng: Nguyễn Hòa Bình (Phó Thủ tướng thường trực), Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Bùi Thanh Sơn (kiêm Bộ trưởng Ngoại giao), Nguyễn Chí Dũng, Mai Văn Chính.

Các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 9. Ảnh: Như Ý
Bộ trưởng các bộ sau hợp nhất
Cùng với đó, Chính phủ sau kiện toàn có 14 bộ trưởng và 3 trưởng ngành sau hợp nhất. Trong đó, Chính phủ sẽ thành lập 6 bộ mới trên cơ sở hợp nhất các bộ.
Thành lập Bộ Tài chính trên cơ sở hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Ông Nguyễn Văn Thắng tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Tài chính sau hợp nhất.
Thành lập Bộ Xây dựng trên cơ sở hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải. Ông Trần Hồng Minh giữ chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng sau hợp nhất.
Thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở hợp nhất Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau hợp nhất, ông Đỗ Đức Duy giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Phiên họp thường kỳ Chính phủ. Ảnh: Nhật Bắc
Thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ trên cơ sở hợp nhất Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Thông tin và Truyền thông. Ông Nguyễn Mạnh Hùng giữ chức Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sau hợp nhất hai bộ.
Thành lập Bộ Nội vụ trên cơ sở hợp nhất Bộ Nội vụ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Sau hợp nhất, bà Phạm Thị Thanh Trà giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo và ông Đào Ngọc Dung giữ chức bộ trưởng.
Ngoài các bộ trên, tên gọi và bộ trưởng, trưởng ngành của 11 bộ, ngành hiện nay tiếp tục duy trì, gồm: Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ngoại giao, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.