"Làm nhanh được xem là hiệu quả", Song Min-jae, 30 tuổi, ở Seoul, nói. "Sự vội vã luôn nằm trong mọi khía cạnh cuộc sống".
Người Hàn Quốc có thói quen nhấn nút đóng cửa thang máy ngay khi bước vào và liên tục làm mới website nếu thấy nó tải chậm. Họ đi rất nhanh trên thang cuốn, băng chuyền đến mức việc dừng lại giữa đường được xem là làm phiền người khác. Trên xe buýt, hành khách thường đứng lên chuẩn bị xuống ngay cả khi xe chưa dừng hẳn.
Park, 20 tuổi, quan niệm thời gian là vàng. Ngay cả khi xem YouTube thư giãn, cô cũng tăng tốc độ video gấp đôi vì thấy phần lớn video quá chậm.
Tốc độ cũng quan trọng trong hầu hết ngành dịch vụ ở Hàn Quốc, vì sự chậm trễ dù nhỏ cũng được xem là ảnh hưởng trải nghiệm nghiêm trọng.
Trong thương mại điện tử, các dịch vụ chuyển phát luôn cạnh tranh rút ngắn thời gian giao hàng. Thậm chí, người dùng đặt nửa đêm, họ có thể nhận trước 7h sáng hôm sau.
CJ Olive Young, nhà bán lẻ sản phẩm sức khỏe, cung cấp giao hàng trong ngày, giúp khách nhận được chỉ trong vài giờ. Tốc độ cũng được đảm bảo trong các dịch vụ chính phủ như in chứng chỉ, đăng ký tài liệu và nộp thuế.
Giáo sư Kwon Gye-cheol ở Đại học Quốc gia Chungnam cho rằng người Hàn Quốc "nghiện" sự nhanh chóng đến mức họ cảm thấy thiệt thòi khi không có nó.
Giáo sư Song Ki-ho từ Đại học Quốc gia Seoul, nói tính vội vã của người Hàn Quốc bắt nguồn từ mong muốn tiết kiệm thời gian và đạt được mục tiêu nhanh chóng. Điều này xuất phát từ các học giả thời Joseon, những người chú trọng quản lý thời gian trong một xã hội đầy cạnh tranh.
Các nhà nghiên cứu khác cho rằng sự chạy đua với thời gian, thể hiện qua sự cần cù và siêng năng, gắn liền với quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng trong những năm 1950, tạo ra một chuẩn mực xã hội coi trọng tốc độ làm việc.
Tuy nhiên, người Hàn Quốc đang nỗ lực giải quyết những vấn đề tiêu cực của "văn hóa ppali-ppali", bao gồm tai nạn giao thông, xây dựng kém chất lượng, các vấn đề sức khỏe và tỷ lệ tự tử cao.
Cụ thể, một tài xế gần đây bị buộc tội liên quan đến cái chết của một hành khách lớn tuổi khi bà đang xuống xe và xe buýt tăng tốc, khiến bà ngã.
Khẩu hiệu an toàn giao thông của chính phủ "5 phút tiết kiệm có thể khiến bạn mất đi 50 năm cuộc đời" nhắc nhở về hậu quả nghiêm trọng của việc vội vàng dẫn đến tai nạn chỉ vì tiết kiệm thời gian nhỏ.
Giáo sư tâm lý Lim Myung-ho ở Đại học Dankook, đã chú ý đến những tác động đối với sức khỏe tinh thần.
Người Hàn Quốc gặp áp lực làm nhanh và gặp khó khăn nếu phải "phanh" lại công việc. Ông chứng kiến sự gia tăng của các bữa ăn vội vã và hội chứng kiệt sức trong công sở.
Chuyên gia nhấn mạnh giải pháp tiềm năng là cần có cái nhìn dài hạn, làm nhanh không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với tăng năng suất.
"Xã hội Hàn Quốc nên ưu tiên các giá trị liên quan đến hạnh phúc cá nhân và sự hài lòng trong cuộc sống", ông nói.
(Theo Korea Herald)