Vị lãnh đạo hạ tỷ lệ sở hữu từ 1,6% về 1,5%, tương ứng với gần 22 triệu cp. Giao dịch được thực hiện ngày 11/2. Trong phiên này, cổ phiếu FPT ghi nhận giao dịch thỏa thuận khối lượng bằng đúng 2 triệu cp, với giá trị 264 tỷ đồng (bình quân 132.100 đồng/cp). Do đó, khả năng cao đây là giao dịch của cổ đông trên.
Lần gần nhất ông giao dịch cổ phiếu là vào 24/7/2023, khi bán 4 triệu cp, hạ tỷ lệ sở hữu về 1,6% vốn. Xa hơn, vị Phó Chủ tịch từng bán 2,3 triệu cp vào 7/9/2020, sau đó mua lại 230.000 cp ngày 20/1/2021.

Ông Bùi Quang Ngọc. (Ảnh: Báo cáo thường niên 2023 của FPT).
Theo giới thiệu, ông Bùi Quang Ngọc là thành viên sáng lập FPT, với gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ông Ngọc đảm nhiệm quản lý dự án, đảm bảo chất lượng, chuẩn hóa quy trình, theo sát và hỗ trợ các dự án lớn của tập đoàn.
Về tình hình hoạt động, FPT triệu tập họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 (dự kiến) vào 15/4, theo danh sách chốt ngày 7/3. Địa điểm họp là FPT Tower, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Hội đồng quản trị dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu 75.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 13.395 tỷ đồng, tăng 20-21% so với thực hiện 2024.
Kết quả năm 2024, công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt 62.849 tỷ đồng và 11.071 tỷ đồng, tăng 19-20% so với thực hiện 2023.
Như vậy, FPT đã duy trì tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận 2 chữ số từ 2019 đến 2024 và kỳ vọng tiếp tục phá kỷ lục vào 2025.
Trên thị trường, cổ phiếu FPT kết phiên 18/2 tại 143.900 đồng/cp, giảm 7% so với đỉnh lập ngày 23/1.

Diễn biến cổ phiếu FPT qua ba tháng (đến 18/2). (Biểu đồ: TradingView).