Đây là bài viết thứ 4 trong loạt 5 bài viết về phát triển sân bay nhỏ ở Việt Nam mà chuyên gia hàng không, PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống đã gửi cho chúng tôi đăng tải.
Các sân bay lớn cần nguồn vốn lớn tới hàng nghìn tỷ đồng để triển khai, thời gian hoàn vốn dài 40 - 50 năm, gây khó khăn trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư…. Trong khi đó, việc phát triển một sân bay nhỏ đáp ứng nhu cầu sản lượng 300.000 hành khách (HK)/năm với diện tích dưới 50 ha và vốn đầu tư 500 đến 00 tỷ đồng có đường cất hạ cánh 1.200 m cho máy bay nhỏ từ 19 chỗ trở xuống sẽ phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sau một thời gian hoạt động, khi sản lượng có triển vọng tăng lên 500.000 HK/năm thì đường cất hạ cánh được nâng lên 1600 m để tiếp nhận thêm các máy bay 40-50 chỗ và nhà ga hành khách được mổ rộng tương ứng.
Sau một thời gian hoạt động nữa, khi sản lượng có triển vọng tăng lên 700.000 HK/năm thì đường cất hạ cánh 1.600 m được nâng cấp để tiếp nhận thêm các máy bay 70-90 chỗ và nhà ga hành khách được mổ rộng tương ứng.
Với quy mô sản lượng dưới 1 triệu HK/năm thì sân bay có thể quy hoạch diện tích 100 ha, nhưng xây dựng phát triển dần dần từ nhỏ với mức sản lượng 100.00 HK/năm qua từng thời kỳ đến mức sản lượng lớn hơn.
Mặt khác, Việt Nam có rất nhiều sân bay quân sự do lịch sử để lại hiện đang hoạt động rất ít, các sân bay này có thể được chuyển thành sân bay lưỡng dụng để kết hợp nhu cầu dân sư quy mô nhỏ dưới 300.000 HK/năm, phục vụ du lịch, giao thương điểm nối điểm, kết nối giữa các địa phương mà không cần qua trung chuyển ở các sân bay lớn.
Ấn Độ đã rất thành công với chính sách phát triển vận tải hàng không bằng máy bay nhỏ 10 – 19 chỗ sử dụng các sân bay rất nhỏ ở vùng nông thôn, vùng xa các trung tâm đô thị lớn. Các sân bay nhỏ còn đáp ứng nhu cầu của các chuyên cơ tư nhân, thủy phi cơ, trực thăng, trực thăng cứu hộ cứu nạn, các thiết bị bay cỡ nhỏ phục vụ cho một nhóm người...
Trong tương lai, nhu cầu về sân bay cho máy bay trực thăng, máy bay doanh nhân, máy bay taxi, máy bay phục vụ nông lâm nghiệp hay thăm dò địa chất, máy bay huấn luyện, máy bay thể thao... sẽ rất lớn.
Các sân bay chuyên dùng phục vụ cho máy bay cất hạ cánh thẳng đứng bằng động cơ điện, hoặc đường băng ngắn sẽ trở nên cấp thiết ở châu Á và Việt Nam. Thực tế cho thấy, hiếm có một trung tâm tài chính thế giới nào mà lại không có sân bay trực thăng. Các sân bay này nhằm hướng tới xây dựng mạng lưới giao thông ngày càng hiện đại và tốt hơn.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, nhu cầu phát triển mạng đường bay ngắn 300-400 km thu gom khách đến các sân bay trung chuyển là rất lớn. Hoạt động taxi bay, ôtô bay sẽ dẫn đến nhu cầu có thêm các sân bay với quy mô rất nhỏ và tính chất hoàn toàn khác sân bay hiện nay.
Nhiều nước trong đó có Hoa Kỳ đang đẩy mạnh các hoạt động hàng không và phát triển các sân bay rất nhỏ. Hoa Kỳ có những sân bay chỉ có 1 đường cất hạ cánh ngắn dưới 1.000 m và khu đỗ xe, phục vụ cho các chuyến bay tư nhân, bay dịch vụ y tế, bay dịch vụ nông nghiệp… với mạng lưới 5.000 sân bay.
Trung Quốc trong kế hoạch 5 năm từ 2015-2020 đã xây hơn 2.800 sân bay nhỏ như thế để đảm bảo các khu dân cư vùng sâu vùng xa nào có dân cư khoảng 500 ngàn người cũng có sân bay. Số lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không chạm mức 610 triệu vào năm 2018.
Tuy nhiên, trong khi những sân bay lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải ngày một bận rộn hơn, thì nhiều sân bay khác lại bị bỏ lại phía sau. Năm 2018, cứ 10 sân bay quy mô nhỏ và vừa thì có một sân bay phải đối diện với tình trạng số lượng hành khách sụt giảm. Ngoài đầu tư cho hạ tầng, chính quyền nhiều địa phương tại Trung Quốc còn trợ cấp cả giá vé để khuyến khích người dân đi lại bằng máy bay nhằm cứu các sân bay khỏi tình trạng ngừng dịch vụ.