Ngày 2/11, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed đã kết thúc cuộc họp thường kỳ kéo dài hai ngày và thông báo nâng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,75 điểm %, tương đương 75 bps, giống như nhà đầu tư đã kỳ vọng trong nhiều tuần qua.
Sau quyết định của FOMC, lãi suất quỹ liên bang trên thị trường tiền tệ Mỹ sẽ dao động trong khoảng 3,75 – 4%, cao nhất kể từ tháng 1/2008. Biểu đồ bên dưới cho thấy đây là lần tăng lãi suất thứ 6 liên tiếp của ngân hàng trung ương Mỹ kể từ tháng 3 năm nay, và là lần thứ 4 liên tiếp lãi suất tăng 75 bps.
Động thái nâng lãi suất ngày 2/11 là bước đi tiếp theo của Fed trong chiến dịch thắt chặt tiền tệ mạnh tay nhất kể từ đầu thập niên 1980 để chế ngự lạm phát đang ở vùng đỉnh 40 năm.
Tháng 9 vừa qua, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (core PCE) – thước đo giá cả ưa thích của Fed – tăng 5,1% so với cùng kỳ 2021, cao gấp nhiều lần so với mục tiêu 2% của các quan chức Fed. Mức đỉnh 40 năm hiện nay là 5,3% được thiết lập vào tháng 2/2022.
Ngoài việc dự báo quyết định nâng lãi suất, các nhà đầu tư còn tìm kiếm những tín hiệu trong câu chữ cho thấy đây có thể là lần cuối cùng Fed tăng 75 bps, những lần nâng lãi suất sau có thể sẽ chỉ có quy mô 50 bps.
Thông cáo của Fed đã gợi ý về khả năng thay đổi chính sách theo hướng này. “Khi xác định nhịp độ nâng lãi suất mục tiêu trong tương lai, Ủy ban FOMC sẽ xem xét tới toàn bộ quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ, cũng như độ trễ mà chính sách tiền tệ ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế, lạm phát, và những sự phát triển về kinh tế và tài chính”.
Nhiều nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế lo ngại Fed sẽ thắt chặt quá mức vì không tính đến độ trễ chính sách.
Các quyết định nâng lãi suất và giảm cung tiền thường mất khoảng 6 tháng mới có tác động đáng kể tới nền kinh tế thực. Vì vậy trong 6 tháng đầu chu kỳ thắt chặt, Fed có nguy cơ cho rằng chính sách của mình chưa đủ mạnh tay và quyết định thắt chặt quyết liệt hơn.
Đến khi các đợt tăng lãi suất bắt đầu phát huy tác dụng, ảnh hưởng tiêu cực của các chính sách thắt chặt dồn dập tới nền kinh tế sẽ là quá lớn.
Sau khi thông cáo cuộc họp FOMC được công bố chiều 2/11, các nhà kinh tế đang hy vọng rằng thông điệp của Fed là lãi suất sẽ không tăng quá mạnh trong tương lai, có thể chỉ là 50 bps trong cuộc họp tháng 12 và thêm một vài lần tăng với quy mô nhỏ hơn trong năm 2023.
Thay đổi đường lối chính sách
Trong thông cáo sau cuộc họp trước, các quan chức Fed nói: “Những đợt tăng khoảng lãi suất mục tiêu trong tương lai sẽ có mức độ phù hợp”.
Thông cáo của cuộc họp ngày 2/11 đã mở rộng thông điệp này: “Ủy ban FOMC dự kiến rằng những đợt tăng khoảng lãi suất mục tiêu trong tương lai sẽ có mức độ phù hợp nhằm đạt được một chính sách tiền tệ mang tính kìm hãm đủ để đưa lạm phát dần quay lại ngưỡng 2%”.
Nhà đầu tư đang đánh giá xem liệu Fed có tính tới khả năng áp dụng một chính sách ít mang tính kìm hãm hoạt động kinh tế hay không, có thể là vẫn tăng lãi suất nhưng với nhịp độ chậm hơn trước.
Thị trường chứng khoán Mỹ ban đầu tăng điểm sau thông cáo của FOMC. Tuy nhiên, các chỉ số đồng loạt quay đầu đi xuống sau khi Chủ tịch Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo chiều 2/11 và ra tín hiệu cho thấy Fed sẽ không sớm dừng chiến dịch nâng lãi suất.
Tuy nhiên, ông Powell cho biết các quan chức Fed trong cuộc họp tháng 12 có thể sẽ thảo luận về việc giảm tốc độ thắt chặt. Vị Chủ tịch Fed cũng lặp lại quan điểm rằng việc hạ nhiệt lạm phát đòi hỏi sự quyết tâm và kiên trì.
“Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải đi, và các dữ liệu kinh tế mới kể từ cuộc họp trước cho thấy mức lãi suất cuối chu kỳ thắt chặt sẽ cao hơn so với dự báo trước kia”, ông Powell nói.
Dù vậy, ông Powell tái khẳng định rồi sẽ đến một lúc nào đó Fed phải giảm nhịp độ nâng lãi suất. “Thời điểm đó đang tới, nó có thể tới sớm nhất vào cuộc họp tiếp theo, hoặc có thể là cuộc họp sau đó. Chưa có quyết định nào được đưa ra”. Thông điệp này đã được ông Powell đưa ra trong một số cuộc họp báo gần đây.