Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại lễ công bố sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam - Ảnh: BCT
Tối 2-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 với chủ đề "kiến tạo tương lai". Sự kiện được Bộ Công thương tổ chức.
Thực hiện thường niên từ 2003, chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm nay có 172 doanh nghiệp với 325 sản phẩm đạt chất lượng và uy tín được ghi nhận và vinh danh.
Các doanh nghiệp được vinh danh có kết quả kinh doanh ấn tượng với tổng doanh thu năm 2021 khoảng 1,5 triệu tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 129.000 tỉ đồng, tạo việc làm, thu nhập cho gần 600.000 lao động.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương và chúc mừng 172 doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp. Việc xây dựng thương hiệu quốc gia đòi hỏi sự nỗ lực lớn của toàn hệ thống, đặc biệt là doanh nghiệp vì đây còn là tài sản của quốc gia.
"Doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia không chỉ thể hiện xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hàng triệu người lao động, mà còn chung tay cùng cả nước phòng chống đại dịch, với nhiều hoạt động, nghĩa cử cao đẹp khác, góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín quốc gia Việt Nam" - Thủ tướng nói.
Trong đó, chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã góp phần thúc đẩy thương hiệu quốc gia thăng hạng mạnh mẽ, đưa Việt Nam là nhóm các nước có thương hiệu mạnh, tăng từ 388 tỉ USD lên 431 tỉ USD trong hai năm qua.
Việt Nam cũng là điểm sáng trong bức tranh xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia, có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới với 74% trong giai đoạn 2019 - 2022.
Các thương hiệu quốc gia Việt Nam được vinh danh trong lễ công nhận - Ảnh: BCT
Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng còn nhiều việc phải làm, nỗ lực hơn duy trì thương hiệu trên cơ sở xây dựng niềm tin thương hiệu bằng chất lượng, giá trị sản phẩm, đạo đức kinh doanh, chuẩn mực, tính nhân văn, trách nhiệm xã hội...
Trong bối cảnh nhiều cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế thương mại, việc giành thị trường, tài nguyên, công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng quyết liệt đặt ra nhiều thách thức, Thủ tướng khẳng định sẽ thực hiện nhất quán chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hiệu quả.
Do đó, cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, xây dựng nâng tầm thương hiệu quốc gia có ý nghĩa chiến lược.
Thủ tướng đề nghị tập trung khai thác tốt hơn tiềm năng thế mạnh, tận dụng mạnh mẽ thị trường nội địa và thúc đẩy xuất khẩu, két hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia, tạo giá trị gia tăng.
Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp tích cực tìm kiếm mở rộng thị trường quốc tế, tạo gia tăng cao hơn khi tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Không ngừng củng cố nâng cao uy tín, chất lượng thương hiệu, nâng cao quản trị tiên tiến, công khai minh bạch.
Không ngừng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh, hội nhập thực chất và hiệu quả. Đào tạo người lao động có kỹ năng, chuyên nghiệp, nhân lực chất lượng cao, phát triển sản xuất kinh doanh và hội nhập...