Các địa phương phải tăng cường, đầu tư để hợp tác đi vào thực chất, lớn mạnh hơn. Cùng nhau đối thoại để thực sự tìm ra hướng đi mới, cách tiếp cận mới, từ đó dẫn đến hành động mới, tạo ra các kết quả hoạt động hợp tác.
TP.HCM và Tây Nguyên không thể thiếu nhau
Theo ông Hoan, tại bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2022, có 5 lĩnh vực hợp tác phát triển gồm: du lịch; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; y tế, giáo dục; nông nghiệp. Đến nay, quá trình hợp tác đã đạt được một số kết quả khả quan nhưng cũng cần phải nỗ lực hơn.
"Các địa phương phải tăng cường đầu tư để hợp tác đi vào thực chất, lớn mạnh hơn. Tất cả sẽ góp phần tạo ra động lực mới cho sự phát triển của TP.HCM và của vùng Tây Nguyên, đóng góp vào bước phát triển mới của đất nước", phó chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.
Tại hội nghị đối thoại, ông Phạm S, phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, khẳng định vùng Tây Nguyên có nhiều tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, khí hậu, du lịch, nông nghiệp, khoáng sản, di sản văn hóa…
"Tỉnh mong muốn TP.HCM tiếp tục quan tâm đến các tỉnh Tây Nguyên, cùng nhau khai thác các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội thông qua các chương trình hợp tác".
Theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, mặc dù những năm qua Tây Nguyên đã phát triển nhưng phần lớn doanh nghiệp thuộc quy mô nhỏ và siêu nhỏ, toàn vùng có trên 41.000 doanh nghiệp nhưng không có doanh nghiệp lớn. Còn TP.HCM đến tháng 12-2024 có hơn 546.000 doanh nghiệp. Do đó tỉnh rất mong được sự hỗ trợ của doanh nghiệp ở TP.HCM.
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên báo cáo, thảo luận về chính sách thu hút đầu tư, lĩnh vực thế mạnh của các địa phương; đầu tư cho hệ thống phân phối; đề xuất, kiến nghị đối với địa phương về các chính sách hỗ trợ đầu tư; phát triển vùng nguyên liệu nhằm phát triển vùng nguyên liệu bền vững, an toàn tại Tây Nguyên...
Với dư địa, tiềm năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, nhiều lãnh đạo cho rằng TP.HCM và Tây Nguyên "không thể thiếu nhau".
Các doanh nghiệp còn nhiều trăn trở
Tại hội nghị, đại diện Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (TP.HCM) cho biết có dự án nuôi heo tại Đắk Nông và mong muốn được địa phương tạo điều kiện để mở rộng trại nuôi lên khoảng 20ha để tiện phát triển chăn nuôi, hợp tác tư vấn thiết kế chuồng trại, giết mổ, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc thu mua heo hơi.
Góc độ là công ty xuất khẩu nông sản hàng đầu, đại diện Công ty Phúc Sinh (TP.HCM) cho biết đơn vị có vùng trồng cà phê tại Đắk Nông với diện tích hơn 140ha, nên mong muốn địa phương hỗ trợ để đơn vị sớm phát triển vùng trồng, và đặc biệt xây dựng được nhà máy chế biến tại đây.
Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM cho biết cái khó hiện nay là vùng Tây Nguyên chưa có nhiều quỹ đất rộng lớn để tiện phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, định hướng xuất khẩu. Ngoài ra, chính sách về quy hoạch và đất đai cũng chưa ổn định làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Trong khi đó, góc độ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Thái Thanh, chủ tịch HĐQT Công ty CP Ban Mê Green Farm (Đắk Lắk), khẳng định Tây Nguyên như một con rồng đang bay lên, và trong 10 năm tới sẽ đạt được những thành tựu lớn nhờ mảng nông nghiệp.
Tuy vậy, bà Thanh cho rằng mình Tây Nguyên không thể làm được, mà cần sự hỗ trợ, đầu tư từ các doanh nghiệp ở TP.HCM.
"Chúng tôi đang rất cần doanh nghiệp TP.HCM quan tâm đầu tư là vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến, hệ thống phân phối. Hiện nay cả vùng chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy cấp đông hoặc chế biến sâu nông sản nên lĩnh vực đang rất thiếu và yếu. Bên cạnh đó Chính phủ cần có thêm chính sách về vốn cho nông nghiệp", bà Thanh nói.
Quy hoạch khoáng sản ảnh hưởng đến sự phát triển Tây Nguyên?
5 tỉnh Tây Nguyên kêu gọi đầu tư những dự án gì?
Phát triển Tây Nguyên để người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc
Trong khi đó, là giám đốc HTX An Thành (Kon Tum) - chuyên sản xuất kinh doanh dược liệu, bà Phùng Thị Hồng Nhung cho biết địa phương có thế mạnh về các loại dược liệu quý, đặc biệt là sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, HTX hoạt động rất khó khăn vì không có điều kiện xây dựng nguồn nguyên liệu lớn để có sản lượng ổn định và hạn chế trong khâu bán hàng, thương mại. Do đó rất cần doanh nghiệp và chính quyền hỗ trợ.
"Mỗi lần mời người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội về livestream bán hàng tốn vài chục triệu, thêm tiền chiết khấu cho họ đến 40%, chúng tôi không thể gánh nổi. Còn chúng tôi tự bán thì rất ít người mua. Tỉnh có thế mạnh nhưng không khai thác được, dù đã nhiều lần đi xúc tiến và kêu gọi đầu tư. Đây là điều rất tiếc", bà Nhung than.
Trong năm 2024, TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong việc triển khai thực hiện các nội dung bản thỏa thuận hợp tác nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên.
Riêng trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, hồi tháng 4-2024 TP.HCM và 5 tỉnh Tây Nguyên công bố 558 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực: hạ tầng giao thông, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất chế biến, du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ, logistics, y tế…
Trong số này, Lâm Đồng tập trung tới 217 dự án, tiếp theo là Kon Tum với 157 dự án. Các tỉnh thành khác như TP.HCM, Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai cũng đều có số lượng dự án đáng kể.