Bất động sản

"Phát triển các khu công nghiệp góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương"

Từ khi tỉnh tái lập tỉnh năm 1997, Hưng Yên đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển công nghiệp, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ.

Nhằm phát huy những lợi thế của tỉnh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút tốt các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước theo đúng quy hoạch, định hướng phát triển của tỉnh, Hưng Yên đã tổ chức lập quy hoạch phát triển khu công nghiệp (KCN) tập trung trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, tạo mặt bằng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn chỉnh để sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư.

Trong những năm qua, quá trình xây dựng, phát triển các KCN của tỉnh Hưng Yên đã đạt được nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh. Để làm rõ những đóng góp trên, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Trường Tam, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên.

Xin ông cho biết những đóng góp của các KCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đối với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nói riêng, Trung ương nói chung trong những năm qua thế nào?

Ông Phạm Trường Tam: Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã quy hoạch phát triển 15 KCN (diện tích 3.887,23 ha) vào quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam. Trong đó 11 KCN đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Chủ trương đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký 14.395 tỷ đồng và 398 triệu USD. Trong số này, đáng chú ý có thể kể đến các KNC như: KCN Thăng Long - KCN được đầu tư đồng bộ hiện đại nhất Việt Nam; hay KCN Phố Nối A, KCN Yên Mỹ, KCN Minh Quang,...

Thời gian qua, các KCN đang hoạt động cũng đã tiếp nhận được 496 dự án đầu tư, gồm 227 dự án có vốn đầu tư trong nước và 269 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 6,5 tỷ USD. Trong đó đã thu hút được một số dự án do các tập đoàn kinh tế lớn nước ngoài và trong nước đầu tư, như: Toto, Nippon Mektron, Kyocera, Hoya, Hyundai, Canon, Daikin, Néstle, Panasonic, Hòa Phát, Nutifood,...

Phát triển các khu công nghiệp góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương - Ảnh 1.

Ông Phạm Trường Tam, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên. Ảnh: PV.

 Việc tiếp nhận các dự án đầu tư vào trong KCN đã góp phần quan trọng gia tăng năng lực sản xuất các ngành, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, các dự án có trình độ kỹ thuật công nghệ cao, các dự án đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu phát triển sản phẩm.

Qua tổng kết có thể thấy, việc phát triển các KCN đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kết cầu hạ tầng kỹ thuật của tỉnh, thúc đẩy hình thành và phát triển các khu đô thị và khu dân cư tập trung. Bên cạnh đó, tạo nguồn thu ngân sách đáng kể, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động, góp phần quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Ngoài ra, việc phát triển các KCN còn gia tăng các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư, xây dựng, logistic... Thông qua các hoạt động dịch vụ này cũng gián tiếp giải quyết một lực lượng lớn lao động tại địa phương gắn với phát triển các KCN.

Thời gian qua, Ban quản lý đã đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư như thế nào thưa ông?

Ông Phạm Trường Tam: Hoạt động thu hút đầu tư vào trong các KCN thời gian qua luôn được Lãnh đạo tỉnh quan tâm chú trọng. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được thực hiện dưới nhiều hình thức như xúc tiến đầu tư tại chỗ, hay thông qua việc đảm bảo tốt về hạ tầng kỹ thuật, cung cấp đầy đủ, kịp thời các dịch vụ công cho các nhà đầu tư.

Phát huy hiệu quả công tác quản lý KCN theo cơ chế "một cửa, tại chỗ" tại Ban Quản lý các KCN tỉnh, đảm bảo yêu cầu giải quyết nhanh gọn, chính xác theo yêu cầu của doanh nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, duy trì hoạt động có hiệu quả Bàn hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông, đảm bảo rút ngắn thời gian trong giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký kinh doanh đối với nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài cũng được tỉnh quan tâm chú trọng. Trong thời gian qua tỉnh cũng đã tổ chức một số Đoàn xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên Minh Châu Âu. Qua các cuộc Xúc tiến đâu tư đã ký một số Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa tỉnh Hưng Yên và các đối tác đầu tư nước ngoài.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn một số quan điểm, chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh?

Ông Phạm Trường Tam: Với Hưng Yên, chúng tôi luôn chuẩn bị tốt hạ tầng để tiếp nhận dự án đầu tư. Điều này được thể hiện thông qua việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phải có năng lực tài chính, kinh nghiệm hoạt động sản xuất kinh doanh và kinh nghiệm quản lý, và năng lực thu hút đầu tư. Công tác hỗ trợ chủ đầu tư hạ tầng các KCN trong quá trình triển khai dự án đươc quan tâm chú trọng.

Minh chứng là thời gian qua, tỉnh Hưng Yên đã xây dựng và phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả trong công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; thành lập Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, trong đó 5 KCN nằm trong danh mục dự án trọng điểm tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, công tác vận động thu hút đầu tư vào trong các KCN có chọn lọc, phù hợp với yêu cầu, tiềm năng lợi thế của tỉnh; chú trọng thu hút đầu tư phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó ưu tiên các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, có hợp tác chuyển giao công nghệ, đảm bảo chất lượng hiệu quả sử dụng tài nguyên và lao động, khả năng đóng góp nhiều cho ngân sách, có giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thích ứng với Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Chúng tôi cũng luôn thống nhất quan điểm, hoạt động thu hút đầu tư phát triển sản xuất phải gắn với bảo đảm môi trường và phát triển bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bố trí dự án đầu tư phải tuân thủ các quy định về ngành nghề thu hút đầu tư và quy hoạch xây dựng của KCN. Cân đối, giải quyết hài hòa lợi ích của chủ đầu tư hạ tầng KCN, với lợi ích của địa phương trong quá trình lựa chọn thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất, giải quyết nhanh chóng và tốt nhất các yêu cầu của doanh nghiệp đảm bảo đúng với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Dòng vốn FDI thời gian gần đây đổ vào các KCN ở Hưng Yên thế nào? Ông có đề xuất gì về các giải pháp khơi thông dòng vốn đầu tư, nhất là FDI chất lượng cao vào các KCN ở Hưng Yên?

Ông Phạm Trường Tam: Hiện, tỉnh Hưng Yên có 3 KCN do các nhà đầu tư nước ngoài làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký 398 triệu USD. Trong đó, 1 KCN do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư đã hoàn thành đầu tư giai đoạn I và II, đang tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn III với quy mô 180,5 ha.

Phát triển các khu công nghiệp góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương - Ảnh 2.

Một góc KCN Thăng Long 2 (Hưng Yên). Ảnh: Lương Vinh.

 Bên cạnh đó, có 2 KCN do các nhà đầu tư Việt Nam liên doanh với các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc thực hiện. Hiện, các KCN đang triển khai xây dựng và dự kiến tiếp nhận đầu tư từ đầu năm 2023. Thông qua các chủ đầu tư hạ tầng trên là kênh quan trọng để thu hút các dòng vốn FDI.

Ngoài cầu nối trên, chúng tôi cũng tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua các nhà đầu tư hiện có trên địa bàn bằng việc chủ động tổ chức tiếp xúc gặp mặt trực tiếp các doanh nghiệp, nhằm tìm hiểu nắm bắt thông tin, kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hiệu quả.

Trong các KCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 270 dự án cố vốn đầu tư nước ngoài đã và đang đầu tư, chủ yếu do các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc thực hiện. Hiện nay phần lớn các dự án đã đi vào hoạt động, trong đó nhiều dự án hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả và có nhu cầu tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất. Việc hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp này mở rộng hoạt động sản xuất là kênh quan trọng thu hút các dòng vốn đầu tư FDI của các doanh nghiệp này và các đối tác kinh doanh.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc kêu gọi các dòng vốn đầu tư từ các đối tác truyền thống, kết hợp với kêu gọi các đối tác là các nhà đầu tư từ các nước có nên công nghiệp phát triển khác đầu tư, như Mỹ, EU.,.. nhằm đa dạng hóa dòng vốn, công nghệ, thị trường.,...

Xin trân trọng cảm ơn ông!


Cùng chuyên mục

Đọc thêm