Trăn trở với nông nghiệp thuận thiên
Chiều 21-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.
Ông Lê Minh Hoan - bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết hội nghị này bên cạnh huy động về nguồn lực thì mong rằng các đại biểu trong nước và quốc tế đến với Đồng bằng sông Cửu Long để hiểu rõ hơn và cùng trăn trở câu chuyện nông nghiệp thuận thiên.
Ông Hoan cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng có nền kinh tế lúa gạo, thủy sản, trái cây... với những sản phẩm đến thị trường khắp nơi trên thế giới.
"Thuận thiên không phải là không làm gì cả, mà là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát thuận theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái.
Câu chuyện nông nghiệp thuận thiên để huy động nguồn lực không phải là câu chuyện hữu hình, không phải câu chuyện kinh tế, mà còn là câu chuyện lịch sử, văn hóa, xã hội. Không phải chỉ là câu chuyện hôm nay mà là câu chuyện của thế hệ mai sau", ông Hoan nhấn mạnh.
Cần có giải pháp đồng bộ thuận thiên
Ông Lê Văn Sử - phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết Cà Mau có các mô hình phát triển thuận thiên như trồng lúa trên đất nuôi tôm, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng, nuôi tôm kết hợp với sò huyết và các loài khác, nuôi tôm siêu thâm canh lót bạt tuần hoàn kín (nguồn nước phục vụ cho sản xuất mỗi trang trại không ảnh hưởng đến hệ sinh thái xung quanh).
Ông Sử cho rằng các mô hình thuận thiên muốn phát triển nhân rộng phải có các hệ thống thủy lợi phù hợp thì mới phát triển đồng bộ được.
"Phải có các giải pháp đồng bộ để phát triển thuận theo tự nhiên. Nếu không có giải pháp công trình thì xây dựng mô hình rất khó.
Cần ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cần ưu tiên đầu tư cho hệ thống thủy lợi, hạ tầng giao thông, nước ngọt cho các vùng ven biển, vùng bán đảo Cà Mau", ông Sử đề nghị.
Tại hội nghị, các đối tác quốc tế như EU, Mỹ, Úc, FAO, UNDP, WWF, SNV…, các quỹ tài chính quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế và trong nước đã cam kết nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.