Ngày 21-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp đoàn doanh nghiệp Hội đồng Kinh doanh Mỹ -ASEAN (USABC) do Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN Ted Osius, nguyên đại sứ Mỹ tại Việt Nam, làm trưởng đoàn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ngay sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ông đã có chuyến thăm, làm việc tại Mỹ để cụ thể hóa khuôn khổ hợp tác này.
Ba đảm bảo, ba cùng với nhà đầu tư
Trong đó hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… là những trụ cột quan trọng. Mục tiêu là nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước trong khuôn khổ mới phát triển toàn diện, bao trùm và hiệu quả hơn, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden mong muốn.
Để hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp Mỹ tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam, góp phần cụ thể hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, Chính phủ Việt Nam cam kết "ba bảo đảm" và "ba cùng".
Trong đó, "ba bảo đảm" gồm: Bảo đảm khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn là một hợp phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để khu vực này phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính sách để các nhà đầu tư yên tâm.
"Ba cùng" gồm: Cùng lắng nghe, thấu hiểu với doanh nghiệp và người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để phát triển kinh tế, góp phần phát triển quan hệ hai nước lên tầm cao mới; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN Ted Osius và đại diện các doanh nghiệp Mỹ đánh giá cao môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện và bày tỏ cảm ơn về sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ Việt Nam đối với doanh nghiệp.
Theo đó, các doanh nghiệp cam kết mạnh mẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, điện tử, hàng không, ô tô điện, logistics, năng lượng, y tế, tài chính, thương mại điện tử, thực phẩm, du lịch...
Doanh nghiệp Mỹ cam kết mở rộng đầu tư
"Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ ấn tượng với việc Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam cuối năm 2023, vui mừng trước việc hai nước nâng cấp quan hệ.
Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò trung tâm sản xuất quan trọng, là một thành tố rất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đang hào hứng khám phá những cơ hội hợp tác mới", ông Ted Osius cho biết.
Các doanh nghiệp cũng thông báo những dự án đầu tư mới, như Pepsi sẽ đầu tư 2 nhà máy mới hiện đại, sử dụng năng lượng tái tạo gồm nhà máy sản xuất thực phẩm tại Hà Nam (trị giá 90 triệu USD) và nhà máy sản xuất đồ uống tại Long An (hơn 300 triệu USD).
Đồng thời các doanh nghiệp đề xuất Việt Nam tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong các vấn đề liên quan cấp phép đầu tư, giấy phép lao động và visa.
Có cơ chế ưu đãi, nhất là ưu đãi về thuế trong một số lĩnh vực ưu tiên; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển giao thông xanh, giảm phát thải carbon, chuyển đổi năng lượng; phát triển hạ tầng, logistics...
Lắng nghe các đề xuất, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục mở rộng đầu tư, chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ cao phục vụ cho các ngành mới nổi. Trong đó có kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.
Để phối hợp triển khai kế hoạch hành động thực hiện quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hai nước đi vào thực chất, hiệu quả, bình đẳng, cùng có lợi, ông đề nghị các doanh nghiệp của USABC có tiếng nói mạnh mẽ với Chính phủ Mỹ ưu tiên thúc đẩy sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam; sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước hạn chế về xuất khẩu công nghệ cao của Mỹ.