Theo trang IFLScience ngày 2-7, nghiên cứu ghi nhận kiến thợ mộc Florida (Camponotus floridanus) chữa trị cho những con kiến bị thương ở chân bằng cách xem xét vết thương. Sau đó, chúng vệ sinh vết thương rồi mới quyết định có nên cắt cụt chi hay không.
Trước đó, nhóm nghiên cứu từng phát hiện một loài kiến châu Phi (Megaponera analis) có thể chữa trị vết thương nhiễm trùng của những con kiến cùng tổ bằng kháng sinh có trong nước bọt. Tuy nhiên, kiến thợ mộc Florida không có khả năng làm điều đó.
Thay vào đó, chúng sẽ đánh giá vết thương và vệ sinh vết thương một cách đơn giản, hoặc chúng sẽ làm sạch vết thương rồi cắt cụt chi - quá trình thường tốn 40 phút.
Theo nghiên cứu, những vết thương ở xương đùi luôn được làm sạch và cắt cụt, trong khi vết thương ở xương chày (phần chân thấp hơn) chỉ được làm sạch và không bao giờ bị cắt cụt.
Khả năng sống sót của những con kiến sau khi được chữa trị cao đáng kinh ngạc. Tỉ lệ sống sót đối với vết thương ở đùi tăng từ dưới 40% lên 90-95% sau khi được "phẫu thuật", trong khi tỉ lệ này với vết thương chày tăng từ 15% lên 75% sau khi được vệ sinh sạch sẽ.
Video kiến thợ mộc Florida cắt cụt chi và xử lý vết thương của đồng loại:
Sau khi nghiên cứu các bản chụp CT của kiến Florida, nhóm phát hiện quyết định có cắt cụt chi hay không của kiến được chúng đưa ra dựa trên nguy cơ nhiễm trùng. Các tổn thương ở những cơ bơm máu ở đùi khiến máu lưu thông chậm lại, làm cho máu chứa vi khuẩn chậm đi vào cơ thể và do đó cho phép kiến có đủ thời gian "phẫu thuật".
Trong khi đó, xương chày của kiến tương đối có ít mô cơ nên nhiễm trùng có thể lan nhanh hơn, khiến kiến không có đủ thời gian cắt chi.
"Vì không thể cắt chân đủ nhanh để ngăn sự lây lan của vi khuẩn có hại nên kiến cố gắng hạn chế khả năng nhiễm trùng bằng cách dành nhiều thời gian hơn để làm sạch vết thương ở xương chày", ông Laurent Keller, làm việc tại Đại học Lausanne (Thụy Sĩ) và là một trong các tác giả nghiên cứu, cho biết.
Hành vi đáng chú ý này cho thấy kiến thợ mộc Florida có thể định vị vết thương của đồng loại và thay đổi cách điều trị dựa trên vị trí đó, qua đó tăng khả năng sống sót của con kiến bị thương.
Nhóm nghiên cứu tin rằng đây là trường hợp đầu tiên của một loài động vật không phải là con người biết cắt cụt chi theo cách này.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Current Biology.