Theo Đài CTV ngày 23-2 (giờ địa phương), các nhà thiên văn học đã phát hiện ba mặt trăng mới trong Hệ Mặt trời.
Trong số này, có hai mặt trăng thuộc sao Hải Vương và một vệ tinh thuộc sao Thiên Vương.
Cả ba đều là những mặt trăng có kích thước rất nhỏ và di chuyển với quỹ đạo rất xa Trái đất của các hành tinh trên, nên đến nay chúng mới được phát hiện.
Ba mặt trăng trên được tìm thấy bởi các kính viễn vọng cực kỳ hiện đại được đặt trên đất liền ở bang Hawaii (Mỹ) và Chile. Phát hiện về chúng được Trung tâm về thiên thể nhỏ của Hiệp hội Thiên văn quốc tế công bố hôm 23-2.
Với phát hiện trên, tổng số mặt trăng đã được phát hiện của sao Hải Vương được nâng lên con số 16, trong khi của sao Thiên Vương tăng thành 28.
Theo Đài PBS, một trong hai mặt trăng vừa được tìm thấy của sao Hải Vương có hành trình quỹ đạo dài nhất trong số các mặt trăng của hành tinh này, khi nó cần đến khoảng 27 năm mới hoàn thành một vòng quay quanh sao Hải Vương.
Trong khi đó, mặt trăng mới của sao Thiên Vương có đường kính chỉ 8km, nhiều khả năng là mặt trăng nhỏ nhất trong số 28 "anh em" của nó.
"Chúng tôi nghi rằng vẫn còn nhiều mặt trăng nhỏ hơn trong Hệ Mặt trời vẫn chưa được phát hiện", ông Scott Sheppard, nhà thiên văn học tại Viện Nghiên cứu khoa học Carnegie (Washington, Mỹ) nói.