Ngày 23-2, giờ địa phương, Công ty Intuitive Machines cho biết mặc dù tàu đổ bộ Odysseus đã hạ cánh thành công xuống Mặt trăng sau nhiều nỗ lực không thành, nhưng dường như nó đã vấp ngã ở giai đoạn cuối.
Giám đốc điều hành Stephen Altemus của công ty cho biết một trong sáu chân hạ cánh của tàu vũ trụ đã vấp trên bề mặt không bằng phẳng của Mặt trăng và bị lật nằm nghiêng sang một bên, tựa vào một tảng đá.
Tàu Odysseus đã đáp xuống gần cực nam Mặt trăng vào 23h23 (giờ GMT) ngày 23-2, sau cuộc hạ cánh cuối cùng đầy khó khăn khi các đội ngũ mặt đất phải chuyển sang hệ thống dẫn đường dự phòng và mất vài phút để thiết lập liên lạc vô tuyến sau khi tàu đã dừng lại.
Một tàu thăm dò Mặt trăng của NASA sẽ tìm cách chụp ảnh tàu Odysseus vào cuối tuần để giúp xác định chính xác vị trí của nó.
Ông Altemus nói dù tấm năng lượng mặt trời đặt trên đỉnh tàu Odysseus vẫn hoạt động, việc tải về dữ liệu và hình ảnh gặp khó khăn vì ăng ten của nó bị trục trặc.
Ngoài ra, thiết bị điều hướng của Intuitive Machines đã không hoạt động và các kỹ sư mặt đất buộc phải đưa ra giải pháp viết vội một bản vá phần mềm để chuyển sang hệ thống dẫn đường bằng laser thử nghiệm của NASA.
Ông Altemus sau đó tiết lộ hệ thống laser của Odysseus không bật được vì kỹ sư đã quên bật công tắc an toàn trước khi cất cánh. "Đó là sơ suất của chúng tôi", ông nói.
Tuy nhiên, tất cả các dấu hiệu đều cho thấy Odysseus "ổn định ở gần hoặc tại địa điểm hạ cánh dự kiến" gần miệng hố Malapert A ở vùng cực nam của Mặt trăng.
"Chúng tôi đang liên lạc với tàu đổ bộ", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Altemus nói, cho biết những người điều hành sứ mệnh đang gửi lệnh tới phương tiện này và tìm cách chụp được những bức ảnh đầu tiên về bề mặt Mặt trăng từ địa điểm hạ cánh.
Trong báo cáo ngắn gọn ngày 23-2, Công ty Intuitive Machines mô tả tàu Odysseus "còn sống và khỏe mạnh".
Dù vậy, tàu Odysseus vẫn được coi là thành công đầu tiên của hạm đội tàu đổ bộ Mặt trăng mới do Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tài trợ để thực hiện các thử nghiệm khoa học mở đường cho sự trở lại Mặt trăng của các phi hành gia Mỹ vào cuối thập kỷ này, theo chương trình Artemis.
Theo Hãng tin AFP, NASA đã trả cho Intuitive Machines 118 triệu USD để vận chuyển sáu thử nghiệm, nằm trong sáng kiến ủy thác dịch vụ vận chuyển hàng hóa cho khu vực tư nhân nhằm tiết kiệm và kích thích nền kinh tế Mặt trăng phát triển.
Mỹ cùng các đối tác quốc tế muốn phát triển môi trường sống lâu dài ở cực nam Mặt trăng, thu hoạch băng tại đây để làm nước uống và làm nhiên liệu tên lửa cho các chuyến hành trình tiếp theo tới sao Hỏa.
Dự kiến NASA sẽ đưa tàu có người lái trở lại Mặt trăng sớm nhất vào năm 2026. Trong khi đó, Trung Quốc có kế hoạch đưa phi hành đoàn đầu tiên lên Mặt trăng vào năm 2030, mở ra một kỷ nguyên mới về cạnh tranh không gian.