Nhu cầu nắm giữ trái phiếu chính phủ Pháp của các nhà đầu tư tính đến hôm nay đã đạt mức cao nhất trong hơn 4 năm qua. Dữ liệu của Sở giao dịch chứng khoán London (LSEG) cho thấy lợi suất trái phiếu của Pháp được thiết lập cho mức tăng hàng tuần lớn nhất - hơn 20 điểm cơ bản - kể từ cuộc khủng hoảng nợ đồng euro. Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp, nước này đang phải trả nợ cao hơn cả mức của Bồ Đào Nha.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế có trụ sở tại Washington (Mỹ) dự kiến tỷ trọng của Pháp trong GDP toàn cầu tính theo sức mua tương đương (PPP) sẽ giảm từ mức 2,2% ghi nhận vào năm 2023 xuống 1,98% vào năm 2029. Ngoài ra, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng cho rằng thâm hụt ngân sách của Pháp sẽ duy trì ở mức trên 4% cho đến năm 2029, với nợ công dự kiến sẽ vượt quá 115% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Trong một tuyên bố mới đây, Bộ Kinh tế Pháp tái khẳng định quyết tâm của Chính phủ là cắt giảm thâm hụt công xuống dưới 3% GDP vào năm 2027. Trước mắt, Chính phủ Pháp sẽ triển khai kế hoạch giảm 10 tỷ Euro ngân sách, trong đó bao gồm việc cắt giảm các khoản an sinh xã hội.
Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu của bà Marine Le Pen, hiện đang dẫn đầu các cuộc thăm dò ý kiến, kêu gọi giảm tuổi nghỉ hưu và áp dụng cách tiếp cận chính sách kinh tế "Nước Pháp trên hết" theo chủ nghĩa bảo hộ. Cơ quan xếp hạng S&P Global, cho biết các chính sách do đảng RN ủng hộ có thể có tác động đến xếp hạng tín dụng quốc gia của Pháp.
Nước Pháp đang phải đối mặt với sóng gió mới sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu với thắng thế của phe cực hữu. Tổng thống Pháp Macron đã giải tán quốc hội và kêu gọi bầu cử sớm. Một liên minh mới được thành lập trên khắp nước Pháp hôm nay cho biết họ cũng muốn hạ thấp tuổi nghỉ hưu và đưa ra một loại thuế tài sản mới đối với người giàu.