Xã hội

Phấn đấu khởi công tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam trong tháng 12/2026

Tóm tắt:
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp về dự án đường sắt trọng điểm quốc gia vào tối 29/3.
  • Quốc hội đã ban hành ba Nghị quyết cho các dự án đường sắt quan trọng tại Việt Nam.
  • Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có chiều dài 1.541 km và tổng mức đầu tư 1,71 triệu tỷ đồng.
  • Thủ tướng yêu cầu đa dạng hóa nguồn vốn và quản lý chặt chẽ để tránh lãng phí.
  • Các địa phương cần nhanh chóng giải phóng mặt bằng và khởi công xây dựng các ga đầu tiên trong năm nay.

Tối 29/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

Theo báo cáo tại phiên họp, chỉ trong thời gian ngắn, Quốc hội đã ban hành ba Nghị quyết để triển khai các dự án đường sắt gồm: dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam; dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP HCM.

Các công trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt mới có quy mô, tổng mức đầu tư rất lớn, yêu cầu cao về kỹ thuật, đặc biệt đường sắt tốc độ cao lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam.

Trong đó, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.541 km từ Hà Nội đến TP HCM, với tốc độ thiết kế 350 km/h. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1,71 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 67,34 tỷ USD. Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ năm 2025 - 2035.

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, khổ 1.435 mm, vận tải hành khách và hàng hoá. Dự án có tổng chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km, tuyến nhánh 27,9 km. Tổng mức đầu tư khoảng 8,37 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư đường đơn, thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô đường đôi. Thời gian thực hiện từ 2025 - 2030.

Tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Lạng Sơn, kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc. Dự án có tổng chiều dài khoảng 156 km.

Tuyến đường sắt Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái kết nối TP Hải Phòng với tỉnh Quảng Ninh, kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc. Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 187 km.

Ngoài ra, theo Nghị quyết số 188 ngày 19/2 của Quốc hội, Hà Nội dự kiến sẽ xây dựng 15 tuyến đường sắt đô thị, TP HCM dự kiến sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt. (Ảnh: VGP).

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam quyết tâm xây dựng ngành công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ, sản xuất được toa xe, đầu máy, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt. 

Về các giải pháp cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo cả trong và ngoài nước, có kế hoạch, chương trình, chỉ tiêu đào tạo cụ thể với từng trình độ, chuyên ngành, hình thành, phát triển các khoa đường sắt tại các trường đại học, đặc biệt là đào tạo các tổng công trình sư.

Bên cạnh đó, cần hình thành, thành lập các tập đoàn lớn, kể cả tập đoàn tư nhân, liên quan tới ngành công nghiệp đường sắt, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định, sửa đổi các quy định liên quan.

Về vốn đầu tư, Thủ tướng yêu cầu đa dạng hóa nguồn lực, gồm vốn nhà nước, vốn vay, phát hành trái phiếu công trình, hợp tác công tư, khai thác TOD…, đồng thời quản lý chặt chẽ để tránh thất thoát, lãng phí.

Tại phiên họp,Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là trong giải phóng mặt bằng theo hướng tách thành dự án riêng, khi có hướng tuyến thì giao các địa phương giải phóng mặt bằng, kêu gọi đầu tư các nhà ga, trước hết là dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Đối với các đề án phát triển công nghiệp đường sắt, Thủ tướng lưu ý cần nghiên cứu, tham khảo các bài học kinh nghiệm quốc tế. 

Với dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng đồng ý khởi công gói thầu xây dựng hạ tầng ga Lào Cai mới và khởi công các khu tái định cư của dự án trong năm nay. 

Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính trên cơ sở báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, làm việc với phía Trung Quốc để đàm phán Hiệp định, đồng thời thúc đẩy dự án tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn và Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái.

Với dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Thủ tướng yêu cầu cố gắng khởi công tháng 12/2026. Bộ Tư pháp được giao có ý kiến về áp dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành Nghị định về thiết kế tổng thể trong đầu tháng 4/2025. 

Với các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM, Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội và UBND TP HCM rà soát tình hình triển khai. Bộ Tài chính có nhiệm vụ sớm có ý kiến về việc dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với dự án và điều chỉnh nguồn vốn cho dự án đường sắt đô thị TP HCM, tuyến số 2 đoạn Bến Thành - Tham Lương.

Các tin khác

Miền Bắc tăng nhiệt mạnh

Hôm nay (2/4), miền Bắc chỉ còn rét về đêm và sáng, trưa chiều hửng nắng, ấm áp, nhiệt độ cao nhất khoảng 24-27 độ. Trong hai ngày 3-4/4, nền nhiệt tiếp tục tăng ở miền Bắc. Các khu vực khác hôm nay ít mưa, riêng Nam Bộ có mưa dông trái mùa.

Dự án khu công nghiệp lớn nhất Cần Thơ hiện ra sao?

Dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ đang bị chậm tiến độ do gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt việc thiếu cát san lấp, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thi công khu tái định cư và hai tuyến đường kết nối.

Chứng khoán lao dốc

Áp lực bán ngày càng mạnh khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp và tiệm cận vùng tâm lý 1.300 điểm.

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay (31/3), miền Bắc vẫn đang trong đỉnh điểm đợt rét lần này với nhiệt độ thấp nhất chỉ từ 12-15 độ, cao nhất 17-20 độ. Dự báo ngày mai, trời tiếp tục rét với nền nhiệt tương đương hôm nay. Từ 2/4, nhiệt độ cao nhất lên khoảng 23 độ. Từ 3/4, trời ấm dần, trưa chiều có nắng nhẹ.