Ngày 21/4, phiên điều trần kéo dài 3 tuần giữa Google và Bộ Tư pháp Mỹ chính thức diễn ra. Kết quả của vụ kiện có thể định hình lại “gã khổng lồ” công nghệ và thay đổi cuộc chơi quyền lực tại Silicon Valley.
Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định cách tốt nhất để xử lý vấn đề độc quyền của Google là chia nhỏ công ty. Chrome – trình duyệt phổ biến nhất thế giới – được xem là “cửa ngõ quan trọng” dẫn người dùng đến với công cụ tìm kiếm của Google. Hàng tỷ USD doanh thu tìm kiếm đã chảy qua cửa ngõ này. Theo Bộ Tư pháp, việc thoái vốn khỏi Chrome sẽ giúp các đối thủ cạnh tranh tốt hơn với Google.

Hồi tháng 8/2024, Thẩm phán Amit P. Mehta ra phán quyết Google vi phạm luật chống độc quyền để duy trì sự thống trị trên thị trường tìm kiếm Internet. Với phiên điều trần này, ông sẽ lắng nghe tranh luận từ chính phủ và công ty về giải pháp cho điều này và dự kiến đưa ra các yêu cầu khắc phục vào tháng 8.
Các luật sư của Google cho rằng thẩm phán chỉ nên tập trung vào một số giao dịch mà công ty ký kết với Apple, Mozilla, Samsung… để công cụ tìm kiếm của họ xuất hiện trên các trình duyệt web và smartphone.
Thách thức với Google đang “chất cao như núi”. Tuần trước, một thẩm phán liên bang tuyên bố công ty độc quyền bất hợp pháp trên thị trường quảng cáo trực tuyến. Năm 2023, Google còn thua trong vụ kiện với xưởng game đứng sau Fortnite.
Những rắc rối pháp lý có thể làm tổn thương Google khi công ty đang trong cuộc chiến với OpenAI, Microsoft và Meta trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Có mặt trong phiên xử ngày 22/4, Nick Turley – người đứng đầu chatbot ChatGPT của OpenAI – cho biết công ty của ông, cũng như các bên khác, quan tâm đến việc mua lại Chrome. Hiện nay, người dùng có thể cài đặt tiện ích mở rộng ChatGPT trên Chrome. Nếu ChatGPT tích hợp sâu hơn vào Chrome, nó sẽ mang lại trải nghiệm “bất khả chiến bại” cho người dùng, theo Turley.
Ông cũng chia sẻ về các khó khăn lớn nhất với OpenAI lúc này, đó là phân phối. Dù đã đạt thỏa thuận đưa ChatGPT lên iPhone, startup chưa đạt đồng thuận với các nhà sản xuất smartphone Android. Một phần nguyên nhân là Google đã nhanh tay hơn và có tiềm lực tài chính hơn.
Các đề xuất khắc phục mà Bộ Tư pháp đưa ra bao gồm: buộc Google bán Chrome, cấp phép dữ liệu tìm kiếm cho đối thủ, tạm dừng các hợp đồng độc quyền mua “chỗ đẹp” trên ứng dụng, thiết bị. Google phản đối, cho rằng đề xuất sẽ làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng vì làm cho chất lượng các sản phẩm Google kém hơn, cũng như gây tổn hại đến vị thế dẫn đầu công nghệ của Mỹ.
Nếu tòa án buộc Google bán trình duyệt Chrome, đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ ra lệnh chia nhỏ một công ty lớn kể từ vụ AT&T thập niên 80.
(Theo Bloomberg, NYT)