Ngày 23.4, tại tọa đàm "Góp ý dự thảo luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân" do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) tổ chức, trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an), cho biết nhận thức của người dân và doanh nghiệp Việt Nam về bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện nay còn rất hạn chế. Nhiều thông tin quan trọng như sinh trắc học, lý lịch, sức khỏe, tài chính vẫn được người dùng công khai trên mạng xã hội, tạo cơ hội cho các chương trình thu thập tự động, làm gia tăng rủi ro lạm dụng dữ liệu cá nhân.
Lãnh đạo A05 cũng chỉ rõ tình trạng mất an toàn dữ liệu cá nhân hiện diễn ra phổ biến, với các hoạt động thu thập, xử lý, sử dụng dữ liệu không minh bạch, không thông báo đầy đủ tới khách hàng. Các vụ việc lộ, lọt, đánh cắp dữ liệu diễn ra thường xuyên, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

Trung tướng Nguyễn Minh Chính - Cục trưởng A05 nhận định mức độ phổ biến của dữ liệu cá nhân trên không gian mạng tỷ lệ thuận với hậu quả xảy ra khi dữ liệu cá nhân không được bảo vệ tương xứng, đúng cách
Ảnh: CTV
Trước thực trạng này, đại diện A05 nhấn mạnh việc xây dựng luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là yêu cầu cấp bách để thể chế hóa các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền riêng tư và an ninh mạng. Luật sẽ đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời tạo nền tảng pháp lý vững chắc để quản lý và bảo vệ dữ liệu cá nhân trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.
Theo thống kê được công bố tại sự kiện, trên thế giới hiện có hơn 140 quốc gia ban hành luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó có các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia. Do đó, Việt Nam không thể chậm trễ hơn trong việc luật hóa vấn đề này. Dự kiến, luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ được trình Quốc hội thông qua vào tháng 5.2025.
Tại tọa đàm, thiếu tá Đào Đức Triệu, đại diện Ban soạn thảo dự án luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, cho biết dự luật sẽ tập trung vào các vấn đề chính như quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu, trách nhiệm xử lý dữ liệu, cơ chế xử lý vi phạm và đảm bảo quyền riêng tư trong môi trường số. "Dự thảo luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân được định hướng xây dựng trên tinh thần tiếp nối Nghị định 13 năm 2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhưng ở cấp độ cao hơn, đồng bộ và mang tính nền tảng", ông Đào Đức Triệu nói.
Các đại biểu tham dự đều thống nhất, việc sớm ban hành luật là cần thiết để hạn chế tình trạng dữ liệu cá nhân bị xâm phạm tràn lan, đồng thời nâng cao ý thức của toàn xã hội trong việc bảo vệ thông tin cá nhân của mình.