Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HPG là một trong những mã được nhà đầu tư quan tâm nhất. Hôm nay, gần 900 cổ đông tham dự trực tiếp phiên họp thường niên của Hòa Phát (HPG). Các năm trước, lượng cổ đông tham dự cũng đều tới hàng trăm người.
Những câu hỏi của cổ đông tập trung vào triển vọng của ngành thép, về định hướng tương lai của Hòa Phát, sau một năm thị trường đầy biến động, "vua thép" lần đầu báo lỗ.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát, vẫn giữ phong cách quen thuộc, không tránh né bất kỳ câu hỏi nào. Ông trả lời trực tiếp với từng cổ đông, nhanh, dứt khoát, có lúc không đợi cổ đông đọc hết câu hỏi đã ngắt lời để trao đổi.
Sự chậm lại của thép trong năm 2022 hướng sự chú ý của cổ đông vào dự án Dung Quất giai đoạn 2, dự án thép trọng điểm của Hòa Phát. Cổ đông chất vấn Hòa Phát về nguồn lực để thực hiện, trong bối cảnh thị trường khó khăn và đầu ra, lộ trình xây dựng được đảm bảo như thế nào.
Ông Long ví Dung Quất II như "quả đấm thép" và cho biết Hòa Phát sẽ dồn toàn bộ nguồn lực hiện tại vào đây. Dự án này được thực hiện bằng vốn tự có kết hợp với vay ngân hàng, tổng quy mô đầu tư xấp xỉ 3 tỷ USD.
Khi quyết định thực hiện, Hòa Phát từng giữ hàng chục nghìn tỷ đồng tiền mặt và tương đương tiền làm vốn đối ứng. Năm ngoái, chính tập đoàn này cũng bị thắc mắc vì việc giữ quá nhiều tiền mà không chia cổ tức cho cổ đông.
Từ trước tới nay, ban lãnh đạo Hòa Phát nổi tiếng là thận trọng, thậm chí, họ còn được gắn cho biệt danh "xe lu" mà theo ông Trần Đình Long lý giải, xe lu là chậm mà chắc. Tuy nhiên, sự chắc chắn này đôi khi nhận được đánh giá là "bảo thủ".
Như hai năm gần đây, Hòa Phát tích lũy nguồn lực, lợi nhuận để chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư Dung Quất II, có thời điểm ghi nhận vài chục nghìn tỷ đồng khoản mục tiền và tương đương tiền. Sự thận trọng diễn ra ngay trong bối cảnh Hòa Phát vừa đạt đỉnh về lợi nhuận giai đoạn 2020-2021.
"Nhiều người trên thương trường chê Hòa Phát bảo thủ, nhưng nay họ phải thừa nhận là chúng tôi đúng", ông Long nói.
Theo người đứng đầu Hòa Phát, các kế hoạch đầu tư mới cũng sẽ dừng, bao gồm cả việc phát triển mỏ than tại Australia hay kế hoạch đầu tư mới bất động sản và các mảng khác để dồn lực cho Dung Quất II. Dự án này dự kiến có thể vận hành vào đầu năm 2025 và đóng góp khoảng 80.000-100.000 tỷ đồng doanh thu cho Hòa Phát.
Dự án này khi vận hành sẽ đóng góp hai phần ba doanh thu hiện tại, giúp tỷ trọng mảng thép ngày càng lớn hơn. Trong khi đó, việc mở rộng các lĩnh vực khác để tạo đối trọng không phải việc có thể làm nhanh trong ngắn hạn.
Về triển vọng của ngành, theo ông, ngành thép đã qua thời gian khó khăn nhất, nhưng để xác định thị trường đã phục hồi hoàn toàn thì chưa đủ.
"2022, ngành thép Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung trải qua chu kỳ khó khăn. Tôi đã dự đoán tại phiên họp năm trước và thành thật là nó còn xấu hơn dự đoán", Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát nói. "Dù vậy, giai đoạn khó khăn nhất của ngành đã qua, nội lực của Hòa Phát nói riêng và toàn ngành thép Việt Nam là tốt, lúc này hoàn toàn phụ thuộc vào phía cầu".
Thép là ngành phụ thuộc vào thị trường bất động sản, vào chính sách đầu tư công của Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay, theo người đứng đầu Hòa Phát, "mọi thứ đều đang rất chậm".
Sự chậm lại của thị trường khiến "vua thép" tiếp tục báo lỗ trong đầu năm nay. Theo ông Trần Đình Long, kết quả tháng 1, 2 của Hòa Phát đều là con số âm, nhưng mức lỗ thấp hơn dự báo của ban điều hành. Trong tháng 3, hoạt động đã khả quan hơn. Ông Long không nói con số chi tiết và "hẹn" cổ đông sẽ thông báo số liệu cụ thể vào cuối tháng 4.
Trước câu hỏi về lời khẳng định "Hòa Phát không thể làm thép mãi được", ông Long giải thích đó là định hướng dài hạn, là con đường mà tất cả tập đoàn lớn phải đi, nhưng trong ngắn hạn thì không dễ thực hiện.
"Về mặt lý thuyết, không để trứng vào một giỏ là đúng, nhưng thực tế cuộc sống không dễ thực hiện. Trong suy nghĩ của tôi cũng luôn hướng về đa dạng hóa. Nhưng trong ngắn hạn, điều này không dễ thực hiện", ông Long nói.
Năm 2023, Hòa Phát dự kiến doanh thu hợp nhất 150.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 8.000 tỷ đồng. So với thực hiện năm trước, kế hoạch doanh thu năm nay tăng nhẹ 5%, còn lợi nhuận giảm 5%.
Kế hoạch năm nay đặt ra thận trọng trong bối cảnh tình hình ngành thép còn khó khăn ít nhất tới giữa năm nay theo đánh giá của ban lãnh đạo Hòa Phát. Giá nguyên vật liệu đang xu hướng đi lên nhưng giá bán tăng không tương xứng, trong khi chi phí tài chính lớn do lãi suất có thể còn cao.