Tài chính

Ông Putin hạ mệnh lệnh nóng - Ukraine công bố manh mối về vũ khí "khác bất cứ thứ gì từng thấy" của Nga

Khác bất cứ thứ gì từng thấy

"Những tiếng nổ "không giống bất cứ thứ gì" mà người dân Ukraine từng nghe thấy trước đây vang lên ầm ầm trên các con đường tại thành phố trung tâm của Ukraine, với dân số khoảng 1 triệu người…" - Theo bài viết đăng ngày 23/11 trên tờ New York Times (NYT, Mỹ), cuộc tấn công của Nga vào buổi sáng 2 ngày trước đó đã sớm được "đưa ra ánh sáng".

Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, Nga vừa thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm tầm trung Oreshnik nhằm vào một cơ sở trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng Ukraine tại Dnipro.

Nhà lãnh đạo Nga lưu ý, trong cuộc tấn công, tên lửa của Nga không mang đầu đạn hạt nhân, dù nó vốn được thiết kế cho mục đích này.

(Khoảnh khắc tên lửa 'không thể đánh chặn của Nga trút xuống Dnipro. Nguồn: The Times)

Cuộc tấn công của Nga gây ra ít thiệt hại, nhưng đã khép lại "một tuần chóng mặt" những động thái ăn miếng trả miếng trong cuộc xung đột Ukraine, chuyển trọng tâm từ các cuộc tấn công trên bộ sang cuộc chiến tên lửa theo kiểu Chiến tranh Lạnh.

Trước đó, Ukraine đã bắn các tên lửa tầm xa do Mỹ và Anh cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga lần lượt vào ngày 19/11 và đêm 20/11, rạng sáng 21/11. Ông Putin tuyên bố, cuộc thử nghiệm tên lửa Oreshnik là để đáp trả những cuộc tấn công đó – một lời cảnh báo với phương Tây rằng "Hãy cân nhắc cho kỹ việc viện trợ quân sự cho Kiev".

"Các hệ thống phòng không hiện đại ... không thể đánh chặn được những tên lửa như vậy. Điều đó là không thể"- Ông Putin nêu rõ trong bài phát biểu qua video ngày 21/11 - "Cho đến nay vẫn chưa có biện pháp nào có thể chống lại loại vũ khí như vậy".

Ông Putin hạ mệnh lệnh nóng: Tin xấu cho Ukraine

Trong bài phát biểu mới nhất ngày 24/11, nhà lãnh đạo Nga cho biết, ông hy vọng thông điệp của mình (về tên lửa Oreshnik) "đã đủ rõ ràng và dễ hiểu".

"Sẽ luôn có phản ứng (từ Nga)" – ông Putin nói, đề cập tới động thái đáp trả của Nga đối với các cuộc tấn công do Ukraine tiến hành bằng tên lửa ATACMS và Storm Shadow vào lãnh thổ Nga.

Ông Putin hạ mệnh lệnh nóng - Ukraine công bố manh mối về vũ khí "khác bất cứ thứ gì từng thấy" của Nga- Ảnh 1.

Tổng thống Nga Putin trong cuộc họp với lãnh đạo Bộ Quốc phòng, đại diện tổ hợp công nghiệp quân sự và các nhà phát triển hệ thống tên lửa Oreshnik. Ảnh: TASS

Ông nhấn mạnh, Oreshnik không phải là vũ khí hủy diệt hàng loạt, hay tên lửa liên lục địa chiến lược, mà là "vũ khí chính xác cao". Tuy nhiên, nếu Oreshnik được sử dụng trong một cuộc tấn công quy mô lớn kết hợp với các hệ thống tầm xa có độ chính xác cao khác, thì hiệu quả của nó "sẽ tương đương với vũ khí chiến lược".

Theo hãng thông tấn Interfax (Nga), ông Putin đã ra lệnh sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa Oreshnik và sau đó trang bị cho lực lượng tên lửa chiến lược của Nga.

"Xét đến sức mạnh đặc biệt của vũ khí này, nó sẽ được đưa vào sử dụng trong Lực lượng Tên lửa Chiến lược" - Ông Putin nói. Ông thông báo thêm rằng, "ngoài Oreshnik, một số hệ thống cùng loại cũng đang được Nga phát triển".

Theo Phó chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Công nghiệp-Quân sự Vasily Tonkoshkurov, Nga có thể thiết lập sản xuất hàng loạt các hệ thống tên lửa Oreshnik trong thời gian ngắn nhất.

"Cơ sở khoa học và sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng Nga cho phép chúng tôi tổ chức sản xuất hàng loạt loại vũ khí này trong thời gian ngắn nhất có thể" - Ông Tonkoshkurov nhấn mạnh.

Kiev công bố manh mối về tên lửa "không thể đánh chặn" của Nga

"Chính xác thì thứ gì đã được Nga phóng đi?" vẫn đang là câu hỏi gây tranh cãi. Lầu Năm Góc cho rằng tên lửa Oreshnik dựa trên thiết kế của RS-26 Rubezh – loại tên lửa đã ra đời từ một thập kỷ trước của Nga. Trong khi đó, ông Putin tuyên bố Oreshnik là thiết kế mới hoàn toàn.

Trong ngày 22/11, cơ quan tình báo Ukraine (HUR) đã cung cấp thông tin chi tiết về vũ khí của Nga. Chính quyền Ukraine cũng đồng thời tiến hành một cuộc điều tra khẩn về đầu đạn của tên lửa này.

Theo đó, tên lửa Nga bay với tốc độ gấp 11 lần tốc độ âm thanh và trước khi va chạm (vào mục tiêu) đã phóng ra 6 đầu đạn. 6 đầu đạn này tiếp tục vỡ thành 36 đầu đạn nhỏ. Thời gian bay của tên lửa từ vùng Astrakhan của Nga đến Dnipro là khoảng 15 phút.

Ông Putin hạ mệnh lệnh nóng - Ukraine công bố manh mối về vũ khí "khác bất cứ thứ gì từng thấy" của Nga- Ảnh 2.

Mảnh vỡ tên lửa sau cuộc tấn công của Nga ở Dnipro, Ukraine ngày 21/11. Ảnh: Getty

Tên lửa mới của Nga có một tính năng liên quan tới tên lửa hạt nhân, đó là khả năng phóng nhiều đầu đạn cỡ nhỏ, đây cũng chính là thứ đã làm làm rực sáng bầu trời Dnipro. Mặc dù không thể hiện rõ ràng trong cuộc tấn công ngày 21/11 nhưng mỗi đầu đạn của nó có thể nhắm vào các mục tiêu riêng biệt. Các đầu đạn nhỏ được gọi là MIRV (đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập).

Ông Roman Kostenko - chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và Tình báo tại Quốc hội Ukraine cho biết - chính quyền Ukraine đang điều tra xem liệu tên lửa Oreshnik có mang đầu đạn giả hay không. Nếu nó mang đầu đạn thật, thì đầu đạn này chỉ phát nổ với sức công phá rất nhỏ.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 23/11 với NYT, ông Kostenko chỉ vào một bức ảnh cho thấy hố bom do tác động từ vụ tấn công của Nga gây ra, với chiều rộng khoảng 1,5 mét, nằm trên vỉa hè. Ngoài ra, không có thiệt hại nào khác được ghi nhận gần đó.

Theo ông Kostenko, hố bom nhỏ này cho thấy một vật thể đã đâm xuống đất bằng lực mạnh, nhưng không nhất thiết phát nổ. Một hố bom tương tự có thể được tạo ra bằng khoảng 900g thuốc nổ.

"Nếu tên lửa được bắn ra là tên lửa rỗng, chúng ta có thể hiểu đó hoàn toàn là một cuộc tấn công mang tính biểu dương (sức mạnh), không có mục đích quân sự nào" – Ông Kostenko nói.

Trong khi đó, nếu tên lửa Oreshnik có sức mạnh đúng như tuyên bố của ông Putin thì Ukraine không có hệ thống phòng không nào có khả năng đánh chặn các tên lửa như vậy.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo, Bộ trưởng quốc phòng nước này đã đề nghị các đối tác phương Tây cung cấp thêm hệ thống phòng không để chống lại các cuộc tấn công tương tự của Nga trong tương lai.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết, Kiev có thể đề nghị Mỹ cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) để tăng cường năng lực phòng vệ. Tuy nhiên, khả năng Washington đồng ý khá thấp. Kiev từng đưa ra yêu cầu tương tự vào năm ngoái nhưng chính phủ Mỹ từ chối.

Một phần lý do là hệ thống này có chi phí lên tới 3 tỷ USD (gấp 3 lần chi phí tên lửa Patriot), trong khi nguy cơ bị phá hủy tại Ukraine lại khá cao.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm