Trong cuộc gặp nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), nói hiện tại ông Phạm Văn Trọng - CEO Bách Hóa Xanh, đã có thể nhận lương nhưng "không chịu nhận".
"Với những lãnh đạo cấp cao, lương không phải mục tiêu của họ, mà là chiến đấu cho sự thành công của công ty. MWG đảm bảo khi công ty thành công sẽ có chính sách để chia sẻ cho những người tạo ra nó", ông Tài chia sẻ.
Ông Phạm Văn Trọng nhận chức CEO chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu này từ tháng 4/2023. Khi đó, ông nói sẽ không nhận lương cho đến khi chuỗi này có lãi vào năm 2023. Ông Nguyễn Đức Tài từng nhận xét: "Được bổ nhiệm không phải quyền lợi, đó là trách nhiệm rất lớn. Không ở đâu như Bách hóa xanh khi người được bổ nhiệm đang nhận lương hàng tháng thì giờ không có lương mà vẫn phải làm việc cật lực".
Đến cuối năm 2023, Bách Hóa Xanh đạt điểm hòa vốn sau các chi phí tương ứng với thực tế vận hành, trên cơ sở hoạt động kinh doanh cốt lõi. Kết quả hòa vốn này không bao gồm các chi phí phát sinh một lần đã hạch toán hết trong quý IV và một phần chi phí khấu hao liên quan đến nâng hạ diện tích cửa hàng do tái cấu trúc. Ban lãnh đạo MWG nói chi phí này sẽ giảm dần theo thời gian và Bách Hóa Xanh tự tin sẽ bù đắp được phần này để có lợi nhuận ròng cả năm 2024.
Bình luận thêm về vấn đề thu nhập, ông Nguyễn Đức Tài nói triết lý trước nay của công ty là "ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Nhiều năm qua, các lãnh đạo cấp cao MWG "chưa từng đòi hỏi tăng lương" vì họ tin nếu tạo ra kết quả, sẽ nhận về những phần chia sẻ xứng đáng.
Không chỉ sếp Bách Hóa Xanh, ông Nguyễn Đức Tài, Tổng giám đốc Trần Huy Thanh Tùng và ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO hai chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, đều không nhận lương trong quý III/2023. Sang quý cuối năm ngoái, cả ba nhận cùng mức lương chưa tới 4 triệu đồng cho ba tháng.
Một trong những thành quả mà các lãnh đạo sẽ nhận được là quyền mua cổ phiếu ESOP. Năm nay, nếu MWG hoàn thành mục tiêu có 125.000 tỷ đồng doanh thu và 2.400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hoặc cao hơn, các lãnh đạo và đội ngũ quản lý sẽ được mua cổ phiếu với giá ưu đãi.
"Ai đi làm cũng vì hai thứ: tiền và niềm vui. Nếu kết hợp được hai thứ trên, chúng ta sẽ tạo ra động lực rất lớn cho đội ngũ của mình", ông Tài nêu quan điểm.
ESOP là chính sách Thế Giới Di Động duy trì khá đều đặn trong nhiều năm qua. Đây được xem như chiến lược quan trọng để giữ nhân tài. Công ty nhiều lần bỏ qua ý kiến của cổ đông rằng tỷ lệ phát hành quá lớn ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Năm trước, do kết quả kinh doanh không khả quan, MWG không đưa ra phương án pháp ESOP.
Còn trước đó vào năm 2022, công ty phát hành hơn 19 triệu cổ phiếu thưởng cho 567 nhân viên với giá 10.000 đồng, thấp hơn 13 lần so với giá thị trường. Các cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng 4 năm. Sau mỗi năm, 25% lượng cổ phiếu ESOP sẽ được chuyển nhượng tự do.
Sở hữu cổ phiếu MWG giúp các lãnh đạo công ty nắm giữ khối tài sản lớn. Ước tính theo giá trị trường hiện tại, ông Tài đang nắm trong tay hơn 1.600 tỷ đồng. Các lãnh đạo khác cũng có tài sản tính bằng cổ phiếu từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng.
Gần đây, ông Robert Willett - thành viên Hội đồng quản trị độc lập, đăng ký bán ra 1,2 triệu cổ phiếu. Với giá chốt phiên ngày 1/3 là 46.600 đồng một đơn vị, số tiền ông Robert thu về khoảng 56 tỷ đồng. Ông nói số tiền trên sẽ dùng để mua nhà cho vợ vì sức khỏe bà không tốt.