Doanh nghiệp

FPT lần đầu mua công ty Nhật

Theo FPT, việc mua lại Next Advanced Communications (NAC) giúp họ tận dụng nguồn lực từ 300 kỹ sư người Nhật trong các mảng tư vấn chiến lược, thiết kế, quy hoạch hệ thống công nghệ. Điều này giúp tập đoàn tiến gần mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường Nhật vào 2027 và có hơn một nửa nhân viên tại đây là người nước ngoài.

Tại Nhật, tình trạng già hóa dân số, thiếu hụt nhân lực và sự phức tạp của các hệ thống công nghệ thông tin là thách thức trong quá trình mở rộng.

Trước đó, FPT có hai thương vụ lập liên doanh và đầu tư vốn với Konica Minolta và LTS. Tuy nhiên, so với các thương vụ M&A tại Mỹ và châu Âu, thị trường Nhật có phần khiêm tốn hơn.

Theo ông Đỗ Văn Khắc, Tổng giám đốc FPT Japan, doanh nghiệp này muốn phát triển đội ngũ kỹ sư Nhật Bản và hợp tác với các doanh nghiệp bản địa, để giúp khách hàng duy trì hoạt động bất chấp khó khăn về địa chính trị. Ngoài ra, hãng cũng hướng tới thúc đẩy môi trường làm việc đa văn hóa.

Từ 2014, FPT liên tục thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) với doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới. Chiến lược này nhằm hoàn thiện các mảnh ghép về dịch vụ trong các mảng công nghệ, nâng cao năng lực tư vấn chuyên sâu, mở rộng tập khách hàng và tăng doanh thu tại thị trường nước ngoài.

Thương vụ M&A đầu tiên của tập đoàn này là mua Công ty RWE IT Slovakia (công ty thành viên của RWE) để mở rộng tập khách hàng về hạ tầng công ích. Năm 2018, họ mua 90% cổ phần của Intellinet, công ty tư vấn chuyển đổi số tại Mỹ. Bốn năm sau, FPT rót vốn vào LTS - top 20 công ty tư vấn, quản trị kinh doanh và chuyển đổi số tại Nhật.

Năm 2023, hãng tiếp tục mở rộng hiện diện tại Mỹ khi mua lại mảng dịch vụ công nghệ của Intertec International và đầu tư chiến lược vào Landing AI - công ty khởi nghiệp về phần mềm thị giác máy tính và AI.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm