Ông Magnus Frantzen Eidsvold, người phát ngôn của gã khổng lồ năng lượng Na Uy Equinor, mới đây cho biết “công ty đã quyết định ngừng hoạt động phát triển kinh doanh tại Việt Nam và đóng cửa văn phòng Hà Nội".
Đây là lần đầu tiên Equinor đóng cửa văn phòng đại diện tập trung vào các dự án điện gió ngoài khơi ở nước ngoài. Trước đó, Equinor đã rút khỏi hơn chục quốc gia, nơi họ từng đầu tư vào các dự án dầu mỏ và khí đốt, để tập trung vào mảng năng lượng tái tạo và phát thải carbon thấp.
Theo Equinor, công ty quyết định rời khỏi Việt Nam sau khi xem xét danh mục tài sản năng lượng tái tạo. "Gần đây, ngành điện gió ngoài khơi đang phải đối mặt với nhiều trở ngại và chúng tôi cần phải có chiến lược hợp lý", ông Eidsvold cho biết.
Trước đó, vào tháng 11/2023, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Equinor đã tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Đây là phiên bản mở rộng nhằm thay thế biên bản ghi nhớ năm 2021. Hai bên sẽ cùng nghiên cứu cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực hydrogen, amonia, thu hồi và lưu trữ carbon tại Việt Nam.
Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển 6.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có dự án nào được chấp thuận chủ trương và giao chủ đầu tư.
Cuối tháng 7, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ dự thảo đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, trong đó có đề xuất ba phương án chọn nhà đầu tư.
Phương án một, PVN là đơn vị thí điểm đầu tư; phương án hai, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị được giao thực hiện; phương án ba là đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thí điểm làm dự án.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng ở thời điểm tại chưa đủ cơ sở và dữ liệu để đánh giá mức độ hiệu quả khi giao PVN, EVN hay Bộ Quốc phòng thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi. Vì điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới, liên quan tới quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo.
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có một dự án điện gió ngoài khơi nào nên không có kinh nghiệm, chưa lường trước được hết những xung đột giữa các ngành, lĩnh vực trong việc sử dụng chung không gian biển… Vì thế, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục được làm rõ các phương án đề xuất sau khi các bộ ngành đóng góp ý kiến.
Equinor là công ty năng lượng do chính phủ Na Uy kiểm soát, được thành lập vào năm 1972. Công ty tập trung vào ba mảng chính là dầu khí, năng lượng tái tạo, LNG và hydrogen.
Equinor là đơn vị phát triển tuabin gió nổi đầu tiên trên thế giới.