Chính sách ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được xem là một trong những công cụ hiệu quả nhằm thu hút FDI vào Việt Nam trong nhiều năm qua.
Việt Nam hiện đang đưa ra ưu đãi thuế quan ở mức 10%, 15% và 17% tùy theo lĩnh vực, ngành, quy mô và địa điểm đầu tư. Trong một số trường hợp đặc biệt, mức thuế ưu đãi có thể ở mức 5%, 7% và 9%.
Tuy nhiên, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp FDI này rất có thể sẽ bị vô hiệu nếu Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu (do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng).
Thuế tối thiểu toàn cầu quy định, mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% áp dụng đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu EUR (tương đương 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất.
Năm sau, hàng loạt quốc gia sẽ áp dụng loại thuế này (Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…) sẽ đánh thuế này. Còn tại Việt Nam, chính sách này đang được cân nhắc.
Nếu Việt Nam áp dụng chính sách này muộn hơn so với quốc gia mà doanh nghiệp FDI đặt trụ sở chính có thể dẫn tới thất thu ngân sách (giả sử với hơn 100 doanh nghiệp FDI, mỗi năm ngân sách quốc gia sẽ thất thu vài tỷ USD), môi trường đầu tư bị ảnh hưởng do các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng đầu tư sang các quốc gia khác có cơ chế chia sẻ lợi ích liên quan đến quy định thuế mới này,....
Cũng có không ít lo ngại thị trường bất động sản công nghiệp sẽ chịu tác động không nhỏ từ chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Bởi trước đây, lĩnh vực này thu hút đầu tư cũng chủ yếu nhờ ưu đãi thuế và giá lao động rẻ.
Về phía doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực khu công nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) mới đây cũng đã có chia sẻ về vấn đề này tại ĐHĐCĐ thường niên 2023.
“Cách đây vài ngày có một nhà đầu tư lớn cũng chất vấn tôi về thuế tối thiểu toàn cầu. Tôi có trả lời họ thế này: Quý tập đoàn là một tập đoàn rất lớn, có danh tiếng nhưng bản thân chúng tôi còn lo trước quý vị. Chúng tôi là doanh nghiệp chuyên thu hút các tập đoàn lớn đến Việt Nam để đầu tư thì những quy định, chính sách gì phát sinh buộc chúng tôi phải có tính toán. Và việc áp thuế tối thiểu toàn cầu cũng không có gì quá ngạc nhiên. Chúng tôi chỉ mong muốn tất cả các nhà đầu tư thấu hiểu, cùng chia sẻ và doanh nghiệp sẽ đưa ra phương án để nhà đầu tư không bị thiệt thòi”.
Theo bà Hương, Việt Nam nếu áp loại thuế này cũng không phải nước duy nhất nên không cần quá lo ngại. Tuy nhiên, làm sao để thỏa hiệp được với các nhà đầu tư là việc của từng nước, từng doanh nghiệp, từng trường hợp (xem mức độ đầu tư của họ cũng như lợi ích của họ đem lại cho đất nước đó và doanh nghiệp của đất nước đó ra sao). Việc này Kinh Bắc đã có tính toán. Thế nhưng Việt Nam chưa biết khi nào mới áp dụng. Và thực tế không phải 100% các doanh nghiệp bị áp mức thuế này mà thường là các doanh nghiệp lớn. Tính ra thì chỉ khoảng 20% các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam bị ảnh hưởng.
“Tôi bảo đảm là sẽ không có vấn đề gì quá nghiêm trọng bởi nền kinh tế không thể đưa ra một loại thuế để hủy diệt doanh nghiệp được. Còn việc khi nào thực hiện, thực hiện như thế nào thì vẫn còn phải chờ đợi. Bản thân doanh nghiệp chúng tôi cũng phải nghiên cứu về chính sách, quy chế, quy định của Nhà nước. Nhiều khi chúng tôi còn phải kiến nghị thay các nhà đầu tư bởi họ là khách hàng của chúng tôi tại các khu công nghiệp,” CEO Kinh Bắc nhận định.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có khoảng 563 khu công nghiệp (KCN) nằm trong quy hoạch tại 61/63 tỉnh thành; 397 KCN đã được thành lập; 292 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng hơn 87.100 ha, diện tích đất công nghiệp khoảng hơn 58.700 ha. Ngoài ra còn có 106 KCN đang trong quá trình xây dựng với diện tích đất công nghiệp khoảng 23.800 ha.
Số liệu của Cục Đầu Tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến ngày 20/5/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 10,86 tỷ USD, chỉ bằng 92,7% so với cùng kỳ. Về cơ cấu vốn, có 962 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 5,26 tỷ USD. Bên cạnh đó, 485 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 22,8% về số dự án nhưng giảm 59,4% về số vốn so với cùng kỳ.
Theo cơ quan này, việc tốc độ tăng số dự án mới lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam vừa đưa ra các quyết định đầu tư mới. Các tập đoàn lớn hiện đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Bình luận về vấn đề này, ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp, Savills Hà Nội cho biết, sau khi các hoạt động được khôi phục trở lại sau giai đoạn dịch COVID-19, các nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dù tới Việt Nam khảo sát thị trường nhưng họ phần nào cũng trở nên thận trọng và muốn tìm hiểu thị trường một cách kỹ càng hơn trước khi đưa ra quyết định.
Ngoài ra, năm 2023, dòng vốn FDI còn chịu tác động thêm bởi chính sách thuế tổi thiểu toàn cầu. Điều này dẫn đến tình trạng thị trường trở nên ít sôi động hơn. Các tập đoàn lớn cũng trở nên cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư trong bối cảnh tác động kinh tế - chính trị toàn cầu.
Tuy nhiên, theo vị này, đây chỉ là vấn đề thời gian, doanh nghiệp cần thêm thời gian để cân nhắc và quyết định. Vẫn phải nói, các yếu tố nền tảng về kinh tế, nhân khẩu học, nguồn lao động của Việt Nam vẫn được đánh giá rất cao. Đây cũng chính là sức hút chính thuyết phục nhà đầu tư tới thị trường.
Mặt khác, mặc dù vốn đầu tư điều chỉnh vẫn giảm so với cùng kỳ; tuy nhiên, số lượt dự án điều chỉnh vốn vẫn tăng. Điều này đã phần nào khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu,…