Trong báo cáo triển vọng kinh tế nửa cuối 2023, Công ty TNHH Chứng khoán Maybank (MBKE) cho rằng tình trạng xuất khẩu yếu sẽ kéo dài trong nửa năm còn lại do triển vọng nhu cầu vẫn mờ nhạt, mặc dù có thể có sự phục hồi nhẹ ở quý IV so với cùng kỳ năm ngoái do mức so sánh thấp.
Nói riêng về Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, xuất khẩu sang Mỹ giảm 21,3% so với cùng kỳ. Hàng tiêu dùng chiếm phần lớn hàng xuất khẩu sang Mỹ (trung bình giai đoạn 2015-2019 là 62%, với các sản phẩm tiêu dùng dẫn đầu là dệt may, máy tính & sản phẩm điện và điện thoại.
Báo cáo cũng cho biết tiêu dùng của Mỹ có thể chậm lại trong nửa cuối năm và duy trì ở mức yếu vào đầu năm 2024 do niềm tin của người tiêu dùng giảm sút và các khoản tiết kiệm dần cạn.
'Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của tổ chức nghiên cứu Conference Board và chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan đã giảm xuống mức thấp nhất trong sáu tháng vào tháng 5. Chỉ số phụ kỳ vọng (71,5) của Conference Board đã xuống dưới 80 - mức liên quan đến suy thoái trong năm tới - cho mỗi tháng kể từ tháng 2/2022 (ngoại trừ một đợt tăng ngắn vào tháng 12).
Ngoài ra, các hộ gia đình đã rút 60% trong số tiền tiết kiệm vượt mức ước tính là 2.300 tỷ USD vào tháng 4/2023. Giả sử mức giảm tiếp tục giảm với tốc độ trung bình từ đầu năm đến nay, khoản tiết kiệm vượt mức dự kiến sẽ giảm xuống còn 316 tỷ USD vào tháng 12/2023 (so với 927 tỷ USD trong tháng 4) và hết vào tháng 5 năm 2024", MBKE cho hay.
MBKE nhấn mạnh tình trạng dư thừa hàng tồn kho đã khiến các nhà bán lẻ Mỹ khiên cưỡng đặt hàng mới. Tình trạng thừa cung này có thể kéo dài trong nửa cuối năm do tiêu dùng suy yếu. Các nhà bán lẻ đang phải vật lộn để giải phóng hàng tồn kho dư thừa do nhu cầu của người tiêu dùng giảm và mua quá nhiều trong năm qua để giảm thiểu sự gián đoạn nguồn cung liên quan đến đại dịch.
Hàng tồn kho bán lẻ đã tăng lên 772 tỷ USD vào tháng 3, tăng 12,9% so với 684 tỷ USD vào tháng 1/2022. Tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh thu đạt mức cao nhất trong ba năm là 1,30.
Các chuyên gia tại đây còn đề cập đến việc mở cửa trở lại của Trung Quốc chưa thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm đã giảm 6,5% so với một năm trước, mặc dù tăng trưởng xuất khẩu lần đầu tiên chuyển biến tích cực trong tháng 5 (tăng 21,8%) kể từ tháng 10/2022, một phần là nhờ mức so sánh thấp của năm ngoái.