Startup Zoomcar ra mắt nền tảng cho thuê xe hơi đầu tiên tại Ấn Độ vào năm 2013. Với trụ sở chính tại Bangalore Ấn Độ, Zoomcar hiện có hơn 300 nhân viên, hoạt động tại hơn 50 thành phố và là doanh nghiệp lớn nhất Ấn độ ở thị trường này. Ông Uri Levine, người Đồng sáng lập hai startup ‘kỳ lân’ Waze và Moovit, giữ chức Chủ tịch HĐQT của Zoomcar.
Hiện tại, Với khoảng 10.000 xe trên nền tảng của mình trên khắp châu Á và khu vực MENA (Trung Đông và Bắc Phi), Zoomcar cho phép các cá nhân thuê nhiều loại xe khác nhau theo giờ hoặc theo ngày.
Năm 2020, Zoomcar ra mắt Dịch vụ di động Zoomcar (Zoomcar Mobility Services), giải pháp di động dựa trên nền tảng phần mềm dịch vụ (SaaS – Software as a Service) dành cho doanh nghiệp nhằm cung cấp các dịch vụ đăng ký thuê bao được dán nhãn trắng (white-labelled subscription services) và các giải pháp giám sát hành vi của người lái xe dựa trên IoT (Internet Vạn Vật).
Mới đây, Zoomcar cũng thông báo hoàn thành đợt phát hành riêng lẻ (private placement) trị giá 92 triệu USD, dẫn đầu bởi SternAegis Ventures, quỹ đầu tư có trụ sở tại New York, Hoa Kỳ, với sự tham gia của các công ty quản lý tài sản gia đình (family office) và các nhà đầu tư tổ chức (institutional investor) hàng đầu thế giới.
Zoomcar dự định sử dụng ngân sách này để phát triển thị trường cho thuê xe của mình tại Ấn Độ cùng nhiều thị trường được lựa chọn ở châu Á và khu vực MENA (Trung Đông và Bắc Phi). Công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào nền tảng kỹ thuật và khoa học dữ liệu tiên tiến để củng cố vị trí dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực cho thuê xe trên toàn cầu.
Kiệt Phạm - Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Quốc gia Việt Nam của Zoomcar.
Việt Nam là một trong những thị trường mà họ chọn để mở rộng đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á. Tham vọng lớn ở thị trường này được họ thể hiện rất rõ ràng với việc chào mời Kiệt Phạm về làm Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Quốc gia - trước đó anh là Giám đốc Phát triển kinh doanh của GoFood (GoJek).
Theo chia sẻ từ Zoomcar: với tư cách là Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Quốc gia, ông Kiệt Phạm sẽ chịu trách nhiệm cho các hoạt động của Zoomcar tại Việt Nam. Ngoài GoJek, Kiệt Phạm từng đảm nhiệm các vị trí quản lý cấp cao tại OYO và Nielsen.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm cùng chuyên môn trong việc quản lý startup, Zoomcar tin rằng: ông Kiệt sẽ trở thành một phần quan trọng trong việc đưa Zoomcar trở thành nền tảng cho thuê xe hơi hàng đầu tại Việt Nam.
Về việc mở rộng thị trường quốc tế và bổ nhiệm lãnh đạo mới tại Việt Nam, ông Sreejith Hrishikesh - Trưởng bộ phận Hoạt động Quốc tế của Zoomcar, cho biết: "Tại Zoomcar, chúng tôi luôn tập trung vào phát triển hỗ trợ việc di chuyển cá nhân. Với việc gia nhập vào thị trường Philippines và Ai Cập gần đây, chúng tôi rất vui mừng thông báo bước tiến của Zoomcar vào các thị trường Đông Nam Á khác.
Việc mở rộng thị trường của Zoomcar là hướng tới sứ mệnh giúp người dân tại các thị trường lớn nhất, đông dân nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới có cơ hội sử dụng xe hơi một cách dễ dàng và thuận tiện hơn.
Vậy nên, chúng tôi rất hân hạnh được chào đón ông Kiệt Phạm với tư cách là Giám đốc Quốc gia phụ trách thị trường Việt Nam. Hy vọng rằng những kinh nghiệm trong việc mở rộng quy mô kinh doanh và xây dựng quan hệ đối tác hiệp đồng của ông Kiệt sẽ mang tới đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Zoomcar".
Kiệt Phạm cũng tiếp lời: "Tôi rất vui mừng được trở thành một phần của Zoomcar trong giai đoạn phát triển quan trọng này. Tôi luôn tin rằng: đổi mới sáng tạo là trụ cột cho sự phát triển bền vững của tất cả các startup. Tôi hy vọng sẽ mang tới những đóng góp tích cực vào việc xây dựng công ty tại Việt Nam và phối hợp chặt chẽ cùng đội ngũ Zoomcar để nâng cao tốc độ tăng trưởng của công ty trên toàn cầu".
Người dùng tại Việt Nam sẽ chính thức thuê được sẽ hơi trên app của Zoomcar vào thứ 2 tuần tới. Mục tiêu ngắn hạn của startup đến từ Ấn Độ này là có 2.000 đối tác xe hơi trên ứng dụng vào tháng 3/2022.
Là ‘gió đông’ hay 'bão cát' với các tay chơi bản địa?
Có thể nói, sự xuất hiện của Zoomcar như một làn gió mới vào mảng cho thuê xe tự lái - thị trường rộng lớn nhưng còn khá im ắng tại Việt Nam. Thị trường công nghệ cho thuê xe tự lái hoặc nôm na hơn là thuê xe tự lái qua app mới manh nha tại Việt Nam vào khoảng năm 2018, với sự xuất hiện của Mioto và Chung Xe – 2 startup được xem là nổi bật nhất mảng này ở hiện tại.
Chung Xe tiền thân là Otosharing sau đó hợp tác cùng Dichung - một trong những doanh nghiệp xã hội Việt Nam chuyên cung cấp dịch vụ đặt xe trực tuyến kết nối khách hàng, các hãng taxi và xe hợp đồng để tạo nên dự án. Họ là startup trong ngành tích cực tham gia các cuộc thi khởi nghiệp nhất, khi lọt vào Top 15 Startup Việt 2018 và Vòng chung kết VietChallenge 2019.
Cũng trong năm 2018, Enterprise chính thức có mặt tại Việt Nam thông qua nhượng quyền cho đối tác MP Executives – Công ty trực thuộc MP Group, doanh nghiệp có hơn 23 năm kinh nghiệm trong ngành logistics tại Việt Nam. Enterprise thuộc tập đoàn Enterprise - là công ty cung cấp dịch vụ cho thuê xe online hàng đầu tại Mỹ, chuyên về mảng B2B. Họ ra mắt khá rầm rộ nhưng chưa phát triển nhanh như kỳ vọng.
Còn mới gần đây, GoFast cũng muốn mon men lấn sân mảng cho thuê xe tự lái – sau khi gần như bỏ cuộc trong đường chạy marathon với Grab, GoJek hay Be; với việc ra mắt GoXe.
Còn theo chia sẻ của anh Nguyễn Quang Sơn – Co-founder kiêm CEO của Mioto, hiện có khoảng 6 đến 8 startup đang hoạt động ở thị trường cho thuê xe tự lái tại Việt Nam; ngoài Mioto còn có TripX, Chung Xe, GoXe (GoFast), Aleka, Ezbook…Mioto ví mình như Airbnb của lĩnh vực cho thuê xe tự lái.
Giao diện của website Mioto.
Do không có tay chơi lớn và chưa ai đứng ra đổ nhiều tiền để marketing – PR rầm rộ để ‘giáo dục thị trường’ như cách Grab đang làm trước đây cho thị trường gọi xe công nghệ, nên mảng miếng này vẫn còn nhỏ và khá phân mảnh. Bản thân Mioto, dù đã 4 tuổi, song vẫn quyết định đi theo chiến lược ‘chậm mà chắc’, muốn dịch vụ của mình thật tốt để phục vụ số đông thay vì vừa làm vừa sửa chữa.
Cũng theo Nguyễn Quang Sơn, do ảnh hưởng của Covid-19 như Việt Nam mình đã trải qua nhiều thời gian dài lock-down, nên ngành cho thuê xe nói chung bị ảnh hưởng xấu nặng nề. Tuy nhiên, Covid-19 cũng là chất xúc tác thúc đẩy nhu cầu thuê xe tự lái; không chỉ bởi sự tiện lợi mà còn vì an toàn. Bằng chứng: ngay trong vòng 1 tháng từ khi kết thúc lock-down, tỷ lệ booking trên app Mioto đã tăng trở lại, khoảng 70% so với trước dịch.
Hiện trên app của Mioto có khoảng 4.000 xe ô tô đủ mọi chủng loại và kích cỡ, 70% booking của họ đến từ 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
"Chúng tôi hy vọng sự xuất hiện của Zoomcar sẽ giúp thị trường cho thuê xe tự lái ở Việt Nam phát triển nhanh hơn, cùng Mioto và các startup khác hướng đến mục tiêu mang lại những sản phẩm – trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, rất khó để nói trước điều gì, thời gian sẽ trả lời tất cả! Mục tiêu trong thời gian tới của chúng tôi vẫn là cải thiện dịch vụ và phục vụ tốt hơn 4.000 chủ xe và 200.000 thành viên đang hoạt động trên ứng dụng của mình. Ngành cho thuê xe tự lái tại Việt Nam vẫn là một ‘đại dương xanh’ và cơ hội sẽ mở ra cho tất cả", CEO Mioto bày tỏ.
Tức là, theo cách hiểu của chúng tôi, thì sự có mặt của Zoomcar không hẳn là xấu với các ‘tay chơi’ khác trên thị trường. Nếu Zoomcar chú trọng vào marketing – PR, hợp lực cùng các đồng nghiệp sở tại đẩy thị trường phát triển nhanh hơn, thì tất cả (doanh nghiệp – đối tác – người dùng) đều được hưởng lại.