Bất động sản

Lộ "mật ước" trong nhóm kín của môi giới và chủ nhà cùng nhau đẩy giá bán

Giữa năm 2021, thông tin lộ "mật ước" ở chung cư nhà giàu Mandarin Garden (Hà Nội) khiến giá bán chỉ tăng không giảm khiến nhiều người ngỡ ngàng. Cụ thể, tại khu đô thị này để giữ "giá nhà", các cư dân nơi đây có một mật ước bất thành văn: Nếu không thích, bán nhà đi nơi khác,  không kiện cáo làm giảm giá nhà.

Đây cũng là lý do từ khi bàn giao, nhờ "mật ước" nên khu chung cư này không hề xuống giá, thậm chí còn tăng trong khi các khu chung cư xung quanh lần lượt giảm giá.

Từ chuyện bảo nhau cùng giữ giá nhà tại nhiều khu chung cư đến nay trên thị trường bất động sản xuất hiện nhiều khu đô thị chủ nhà và môi giới còn lập ra những nhóm kín để cùng bảo nhau tăng giá theo từng đợt.

Chị Lưu, khách hàng vừa mua biệt thự tại Khu đô thị vườn sinh thái Đan Phượng kẻ lại câu chuyện khá bất ngờ khi biết cư dân và môi giới tại khu đô thị này có một nhóm kín cùng rủ nhau đẩy giá bán.

Là dự án đã đi vào sử dụng gần chục năm nay nên khu đô thị này đã hình thành rõ rệt nhóm cư dân để ở và nhóm nhà đầu tư. Tại các căn đầu tư, chủ nhà và khách sang tay liên tục thông qua một số nhóm môi giới đứng ở giữa. Nhóm này thay chủ nhà làm giá thị trường, đẩy giá bán, ăn tiền chênh giữa giá cam kết bán được và giá bán thực tế thay vì nhận hoa hồng môi giới như các giao dịch bất động sản thông thường.

"Tôi vừa mua một lô liền kề 200m2 với giá 37 triệu đồng;/m2 liền được môi giới giới thiệu vào nhóm cư dân. Khi thâm nhập vào nhóm kín tôi mới biết căn của tôi mua là căn cuối cùng có giá cũ. Hiện môi giới và chủ nhà đang bàn nhau cùng tăng giá đợt mới", chị Lưu cho biết.

Giống như chị Lưu, anh Minh vừa bán một căn biệt thự tại khu Nam An Khánh cho biết, hiện nay giao dịch các căn biệt thự, liền kề trên thị trường thứ cấp môi giới và chủ nhà thường thỏa thuận mức giá thu về, tiền chênh bán được môi giới sẽ được hưởng.

"Cách làm này vừa có lợi cho chủ nhà bởi họ bán được với giá họ mong muốn, môi giới cũng có thu nhập cao nếu bán được giá tốt cho người mua. Với mức giá chủ nhà đưa ra, sàn nào chấp nhận ăn chênh lệch ít sẽ nhanh chốt được khách", anh Minh cho biết.

Thậm chí, hiện nay nhiều sàn liên tục cho nhân viên gọi điện cho các chủ nhà. Khi chủ nhà đồng ý, các sàn thường lấy thông tin đăng tải lên các trang mua bán nhà đất với mức giá cao hơn mức chủ nhà đưa ra. Phần chênh lệnh đương nhiên sẽ do người môi giới hưởng. Nếu không bán được đất thì cũng chẳng sao.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính cách làm này đang vô hình tạo điều kiện cho môi giới ôm hàng, đẩy giá. Nhiều sàn môi giới cùng bắt tay nhau làm giá, tạo những đợt tăng giá mới trên thị trường thứ cấp, khiến nhiều người mua phải chấp nhận mức giá mới.

Không chỉ tại Hà Nội, tại nhiều thị trường tỉnh lẻ, giá cả trên thị trường bị thao túng bởi một hoặc nhiều nhóm môi giới. Họ ôm hàng, kêu gọi các nhà đầu tư về tích hàng giá tốt sau đó cùng nhau đẩy hàng tăng giá trên thị trường khiến các chủ đất khác bỗng thấy mặt bằng chung đều rao bán mức giá cao hơn, đẩy thị trường tăng giá.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm