Ông Lê Viết Hải – đại diện Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng Tp.HCM (SACA) và Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa có kiến nghị, liên quan đến khó khăn của doanh nghiệp (DN) nói chung và DN bất động sản nói riêng đã kéo dài 3 năm qua.
“Sau thời gian dài tê liệt, vất vả chống chọi với đại dịch Covid-19 để tồn tại, ngành du lịch của Việt Nam chúng ta đã không thể gượng dậy được bởi ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Nguồn thu chủ yếu đến từ khách quốc tế như mọi năm đều có dự báo tăng trưởng trên 15% thì 3 năm Covid và chiến tranh sụt giảm lên đến 79% vào năm 2020, 99% vào năm 2021 và 81% vào năm 2022. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến các DN bất động sản du lịch nói riêng”, văn bản của ông Hải ghi.
Mặt khác, lãi suất ngân hàng bị tăng rất cao khiến nhiều DN bất động sản không thể tránh khỏi sự mất cân đối dòng tiền và tác động vô cùng nghiêm trọng lên cả hệ sinh thái của toàn ngành.
Ông Hải nhấn mạnh, đó là lý do khiến các DN xây dựng và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng phải đứng trước bờ vực phá sản, hàng vạn người lao động đã bị mất việc làm và hàng trăm ngàn lao động trong ngành cũng đang đứng trước nguy cơ đó.
Riêng HBC, ông Hải chia sẻ đây là lần đầu tiên trong suốt 35 năm Công ty phải đối mặt với muôn vàn khó khăn làm ảnh hưởng hoạt động nặng nề đến thế. Những khó khăn đó đến nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 3.300 cán bộ nhân viên của HBC, hơn 40.000 lao động thầu phụ, nhà phân phối, nhà cung cấp và sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị thi công; tác động vô cùng tiêu cực đến cuộc sống của hàng trăm ngàn người.
“Chúng tôi đã huy động tất cả nguồn lực của mình để tìm cách khắc phục tình trạng dòng tiền ngày càng xấu đi mà không thể kịp thời cải thiện được” , ông Hải nói.
Nói về Nghị Quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản, vị này đánh giá đưa ra được hướng xử lý thoả đáng. Tuy nhiên, những giải pháp cụ thể cho từng DN bất động sản có thể còn rất lâu mới được thực thi khi chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện.
Trong thời gian chờ đợi các DN bất động sản được tháo gỡ khó khăn thì các DN xây dựng không thể duy trì được hoạt động vì không cân đối được dòng tiền khi rất nhiều tháng qua không nhận được thanh toán của nhiều khách hàng.
“ Hiện nay hầu hết các DN xây dựng và VLXD đều trong tình trạng bị chủ đầu tư nợ và vì thế nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, nợ nhà thầu phụ, nợ lương nhân viên và cả nợ thuế, nhiều dự án, nhiều công trình trong đó có các công trình sắp hoàn thành cũng phải dừng thi công; nhiều đơn hàng xuất khẩu của các nhà sản xuất vật liệu xây dựng không thể thực hiện được ” , văn bản ghi.
Trong tình hình vô cùng khó khan, ông Hải kiến nghị:
(i) Cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, thời gian được cơ cấu là 24 tháng, áp dụng đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất, kinh doanh VLXD cũng như đối với các chủ đầu tư dự án bất động sản.
(ii) Có các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc hiện tại về pháp lý cho các dự án bất động sản.
(iii) Xây dựng cổng thông tin điện tử ngành bất động sản bao gồm quy hoạch, xây dựng thể hiện công khai, minh bạch thông tin về thị trường, cập nhật thường xuyên thông tin quy hoạch, thông tin pháp lý, thông tin về tiến độ cơ bản của dự án, thông tin về tình hình mua bán bao gồm số lượng và giá giao dịch tại từng thời điểm.